Lê Ngọc Tỉnh, sinh năm 1993, là cựu sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing (TP.HCM). Xuất phát điểm từ dân khối A, Tiếng Anh luôn là điểm yếu của anh khi còn học phổ thông.
“Vì không có nền tảng, lên đại học, mình đã rất khó khăn với việc học tiếng Anh. Từ một người 'mất gốc', mình quyết định phải 'cày' thật nghiêm túc”, Tỉnh nói.
Theo Tỉnh, quá trình luyện nghe từ con số 0 cũng không hề đơn giản, bởi khi ấy, anh không thể hiểu người nước ngoài nói gì.
Khi bắt tay vào luyện kỹ năng Nghe của bài thi IELTS,Tỉnh đã vấp phải sai lầm vì luôn nghĩ, “giải thật nhiều đề điểm sẽ tự tăng”. Nhưng thực tế khi nhìn lại, anh cho rằng, bản thân “chật vật” khi luyện nghe là do chưa xác định được trình độ của mình.
Việc làm nhiều đề trong khi nghe không hiểu đã dẫn tới tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc.
Sau đó, Tỉnh đã phải xốc lại tinh thần và tìm kiếm cho mình hướng đi hiệu quả hơn là luyện nghe theo phương pháp chép chính tả. Phương pháp này cũng đã giúp anh đạt điểm tuyệt đối 9.0 IELTS Listening vào cuối năm 2019.
“Chép chính tả có thể hiểu là phương pháp luyện nghe bằng cách chép xuống những gì bạn nghe được và không nghe được.
Với những chỗ không nghe được, mình thường cố gắng nhớ âm của từ hoặc cụm từ đó và ghi lại những âm nghe được. Ví dụ, trong câu có từ mình không nghe được, gần giống “bai thơm mô”, mình vẫn chép xuống bằng tiếng Việt.
Sau khi nghe xong, mình kiểm tra phần transcript (bản ghi lời thoại) và thấy cụm từ mình không nghe được là “buy them all”. Đó là cụm rất dễ nhưng mình lại không nghe ra. Rất nhiều lần “tiếc nuối” như thế đã giúp mình cải thiện được khả năng nghe”, Tỉnh nói.
Trong quá trình học nghe, anh cũng nhận ra có 3 nguyên nhân khiến mình không thể nghe được tiếng Anh, gồm: thiếu từ vựng, phát âm không chuẩn (dẫn tới không hiểu người bản ngữ nói gì) và tốc độ đọc quá nhanh (khiến âm nối lại hoặc biến âm dẫn đến khó nghe).
Cho nên, trong giai đoạn đầu tiên trước khi bắt tay vào chép chính tả, việc phải bổ sung lượng từ vựng đủ để hiểu nội dung bài là điều cần thiết.
“Chỉ khi đã học hết lượng từ vựng trong phần transcript mới nên bắt đầu tập trung nghe. Điều này giúp loại trừ được nguyên nhân chính dẫn đến việc nghe không hiểu là thiếu từ vựng”, Tỉnh nói.
Với những từ phát âm sai dẫn đến nghe không ra (dù là từ quen thuộc), Tỉnh cho rằng, cần phải kiểm tra lại từ điển, xem cách phát âm, sau đó liên tục đọc lại nhiều lần để nhớ.
Trong trường hợp không thể nghe được do tốc độ đọc quá nhanh và bị nối âm, cần cố gắng tua đi tua lại nhiều lần những chỗ chưa nghe được.
“Tuyệt đối không nên giảm tốc độ đọc của máy, vì mục đích của việc chép chính tả là để làm quen với tốc độ nói, cách phát âm và các yếu tố nối âm khi nói ở tốc độ nhanh của người bản ngữ.
Do vậy, trong lần đầu tiên khi chưa nghe được, có thể tiếp tục nghe lại. Chắc chắn, đến lần thứ 6, thứ 7, tốc độ đọc “nhanh như tên lửa” trong lần đầu tiên bỗng trở nên chậm lại, và nếu nghe đến lần thứ 15 – 20, thậm chí bạn còn cảm thấy tốc độ ấy hơi chậm.
Các yếu tố nối âm vẫn không đổi, nhưng sở dĩ mình nghe dễ hơn là vì đã nghe quen và não bộ đã tiếp nhận được âm thanh đó”, Tỉnh chia sẻ.
Duy trì việc luyện chép chính tả 30 phút mỗi ngày, trong vòng 1 tháng, Tỉnh nhận thấy khả năng nghe của mình “tiến bộ thần tốc”.
Ngoài ra, việc luyện chép chính tả cũng giúp anh tăng sự tập trung, giảm được những sự bất cẩn không đáng có.
“Một lỗi phổ biến mà nhiều bạn mắc phải trong dạng bài điền vào chỗ trống là nghe được từ cần điền, tuy nhiên lại không nghe được dạng số ít/số nhiều của từ nên để mất điểm oan.
Viết chính tả sẽ giúp khắc phục lỗi sai oan uổng này do mình cần phải nghe thật kỹ, kể cả những âm “s, ed” và những loại âm đuôi khác. Thói quen nghe âm đuôi dần hình thành và sau một thời gian sẽ trở thành phản xạ”.
Tuy nhiên, với phương pháp chép chính tả, theo Tỉnh, người học cần phải thật kiên trì và kỷ luật với bản thân.
Phương pháp chép chính tả cũng chỉ phù hợp với những người có khả năng đạt 5.0 - 7.0 IELTS Listening. Với các mốc 8.5 - 9.0, người học cần phải rèn thêm khả năng tập trung, phân tích đề nhanh, tránh các bẫy trong bài,…
Theo Tỉnh, với những bạn muốn chép chính tả để nâng cao khả năng nghe, nên lựa chọn nghe những gì mình thích như chép lời bài hát, chép những đoạn phim, đoạn rap,… Nếu chép chính tả để luyện thi IELTS, Cambridge IELTS là nguồn chính thống giúp người học làm quen với chất giọng của các bài thi IELTS. Hơn nữa, những từ vựng trong bài thi IELTS có tính chất lặp đi lặp lại. Do vậy, nếu chép chính tả và học từ vựng từ chính nguồn chính thống này sẽ giúp người học nắm được những từ vựng đặc trưng và phổ biến trong bài thi IELTS. |