Ba tháng gần đây, Hoàng Oanh (tên đã thay đổi, 32 tuổi, ở Hà Nội) nhận làm dịch vụ test người yêu (thử lòng người yêu) ngoài giờ hành chính.
Khách hàng của Oanh rất đa dạng, đó là những người có chồng đi làm xa, phụ nữ đang mang bầu, các bạn gái có bạn trai đi du học, hay đối phương thay đổi công việc, môi trường sống…
Sau mỗi "đơn hàng", dù kết quả thế nào thì Oanh đều để đôi bên tự giải quyết chuyện tình cảm chứ không bao giờ can thiệp vào mối quan hệ của ai.
Oanh sẽ vào vai cô nàng độc thân, có nhan sắc và có khiếu nói chuyện. Từ những thông tin khách hàng cung cấp, cô dễ dàng tiếp cận những người đàn ông mà khách hàng muốn kiểm tra độ chung thủy.
Sau khoảng thời gian làm dịch vụ mới mẻ này, cô gái 32 tuổi cho biết, bản thân có đôi chút hoang mang khi có tới hơn một nửa số đàn ông cô thử lòng đều nói mình không có người yêu, chưa có vợ.
Họ sẵn sàng trò chuyện cởi mở, hẹn gặp riêng bên ngoài. Thậm chí, có nhiều người nhận được tin nhắn của "gái xinh" còn chủ động mời đối phương bước vào các mối quan hệ sâu hơn, bất chấp bản thân đã có gia đình.
Đoàn Trung N. (29 tuổi, Hà Nội) cho biết, bản thân cũng từng "sập bẫy" thử lòng của vợ. Ban đầu N. không mấy hứng thú với cuộc trò chuyện, nhưng sau đó, vì thấy đối phương liên tục hỏi về các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp (N. làm du lịch - PV) nên anh cởi mở chia sẻ.
Câu chuyện càng thêm lôi cuốn khi "cô gái" bên kia có nhiều điểm tương đồng với anh như thể cả hai có sự quen biết. N. thừa nhận có chút sa đà khi dành nhiều thời gian trò chuyện với một người lạ.
"Những lúc ấy tôi thấy như mình được xả stress. Tuy nhiên, bản thân không hề có những ý đồ không trong sáng. Song vợ tôi lại không nghĩ như vậy. Vợ chồng tôi giận nhau khá lâu sau đó. Tôi thì buồn vì vợ không tin tưởng, còn vợ thất vọng và cho rằng tôi là người dễ dao động", N. nhớ lại lần mình bị vợ "test độ thủy chung".
Dịch vụ test người yêu đang nở rộ trên mạng xã hội. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 100.000-200.000 đồng để xem bạn đời hay người yêu của mình chung thủy đến mức nào.
Một cặp đôi không phải lúc nào cũng thành thực mọi điều với nhau
Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, về cơ bản có rất nhiều người đang thích thú với việc xem người khác thử lòng người yêu và hy vọng chứng kiến những khoảnh khắc xấu hổ của người khác khi họ rơi vào các tình huống "bị gài" và trở thành "người không chung thủy". Điều này khiến các video, hội nhóm thử lòng người yêu có lượt xem, lượt truy cập lớn.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, khi đã quyết định trở thành một cặp đôi, mỗi người cần có một cái nhìn tích cực, thực tế về các mối quan hệ. Một cặp đôi lành mạnh không phải lúc nào cũng ở bên nhau và luôn thành thực tất cả mọi điều với nhau.
Không phải khi có vấn đề là nhất định phải xem lỗi thuộc về ai hay tin rằng yêu nhau thì kiểu gì mọi chuyện cũng ổn mà mình chẳng cần cố gắng giải quyết hay chia sẻ một cách tôn trọng.
Mỗi người đều có quyền được tôn trọng và ứng xử một cách công bằng. Thuê dịch vụ thử lòng có nghĩa là một hai người đã không tin tưởng, không tôn trọng người còn lại. Việc tự do cung cấp cho bên thứ ba nhiều thông tin riêng tư cá nhân cũng là điều không nên.
Sự không tôn trọng và tin tưởng này chắc chắn sẽ dẫn đến những rạn nứt trong mối quan hệ, thậm chí xung đột và tổn thương tâm lý cho cả hai kể cả khi người bị "thử lòng" có vượt qua bài test hay không.
Vị chuyên gia này cho rằng, dịch vụ thử lòng này hoàn toàn không đáng tin cậy. Việc không chấp nhận sự tán tỉnh trên mạng không đồng nghĩa với việc cá nhân đó gắn bó và yêu bạn thực sự.
Đôi khi chỉ là họ thấy không phù hợp hoặc họ cũng đã có mối quan hệ ngoài luồng khác. Hoặc nếu họ đã biết về dịch vụ thử lòng trên mạng xã hội thì phản ứng của họ có thể chỉ là ứng phó chứ không phản ảnh con người thật của họ.
Ngược lại, không phải cứ chấp nhận nói chuyện thân thiết hay hẹn hò với một người nào khác thì sẽ là một kẻ tồi tệ, đáng vứt đi.
"Ngay cả các cặp vợ chồng đôi lúc cũng có những khoảnh khắc dao động nghĩ đến người khác bởi đơn giản đó như là một không gian để họ lắng lại và suy ngẫm về mối quan hệ.
Nhiều lúc họ không muốn bỏ qua một người thực sự hiểu mình, không phải để người đó trở thành bạn tình mà đơn giản chỉ là một người tri kỷ", PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Lý giải về việc có nhiều đàn ông dễ "sập bẫy" dịch vụ này, vị phó giáo sư cho rằng, người cung cấp dịch vụ được trang bị nhiều kỹ năng tâm lý, sử dụng các kỹ thuật đôi khi để thao túng người khác.
Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể dính bẫy mặc dầu trong lý trí không thể tin rằng chúng ta có thể có những hành vi như thế.
PGS. TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên: Hãy cẩn trọng với dịch vụ này vì những nguy cơ gây tổn thương tâm lý cho các bên khi họ bị phát hiện "bị gài bẫy".
Việc thử lòng tạo ra một môi trường không tin tưởng, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn trong mối quan hệ tương lai. Nó khiến cá nhân rơi vào các mâu thuẫn giá trị về lòng tin và sự tôn trọng quyền riêng tư.
Bên cạnh đó, việc lan rộng những video thử lòng người yêu và chắc chắn là các video về sự "không chung thủy" sẽ tạo ra những hình ảnh xã hội tiêu cực, làm các bạn trẻ trở nên nghi ngờ về tình yêu.
"Hãy nhớ rằng, một nửa của mình không phải là do chúng ta may mắn tìm thấy mà phải là do chúng ta cùng nhau tạo ra.
Có rất nhiều cách thức để người yêu toàn tâm toàn ý với mình như việc tạo niềm tin trong mối quan hệ, dành thời gian cho nhau, xuất hiện trong những sự kiện quan trọng của nhau để cùng tạo ra những kỷ niệm đặc biệt, chia sẻ những mục tiêu và giấc mơ, hỗ trợ nhau để cùng vươn tới những ước mơ đó", vị Phó giáo sư nhấn mạnh.
Theo Dân trí