Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát và từ trần không chỉ khiến cả nước Nhật Bản rung chuyển, mà dư luận quốc tế cũng cảm thấy bàng hoàng. Bởi ông là lãnh đạo có ảnh hưởng trong nhiều năm khi là Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ từ tháng 12/2011-7/2015 trong cuộc trao đổi với VietNamNet đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc khi hay tin nguyên Thủ tướng Abe Sinzo qua đời.
Ông Abe Shinzo 4 lần đắc cử Thủ tướng Nhật Bản và cũng có 2 lần phải từ chức đột ngột vì lý do sức khoẻ (2006, 2020). Năm 2012, khi ông tiếp tục thắng cử rồi tái đắc cử Thủ tướng cũng là thời kỳ Đại sứ Đoàn Xuân Hưng công tác ở Nhật Bản nên có cơ hội được gặp gỡ ông Abe nhiều lần.
Cũng năm đó Thủ tướng Nhật đã chọn Đông Nam Á, Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên và ông Hưng khi đó cũng đã về nước tham dự cuộc đón tiếp.
“Kỷ niệm với ông Abe thì tôi có nhiều. Ngay trong nhiệm kỳ của mình, tôi đã gặp gỡ với những cộng sự thân tín nhất của nguyên Thủ tướng Abe. Đại sứ quán Việt Nam đã tạo được mối quan hệ gần gũi với Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản.
Chúng tôi có mối quan hệ rất thân thiết, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước khi đó, kể cả việc nâng cấp quan hệ sau này”, Đại sứ cho biết.
Vẫn theo vị cựu đại sứ, khi ông Abe lần đầu tiên đảm nhiệm Thủ tướng năm 2006, lãnh đạo ta là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó cũng mới lên làm Thủ tướng và cũng đã chọn Nhật Bản là nước đến thăm đầu tiên. Khi đó hai bên đã bàn về các dự án rất lớn để hợp tác và hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.
Đến nhiệm kỳ thứ hai của ông Abe vào năm 2014, hai nước đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 3/2014).
Quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” đã được thiết lập từ khi đó đến nay.
“Quan hệ hợp tác hai nước đã thực chất, sâu rộng hơn và đặc biệt là sự tin cậy cao, hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Đây là thời kỳ quan hệ hai nước phát triển nhất.
Hiện nay, các lãnh đạo hai nước đều nhận định quan hệ hai nước thời kỳ đó là đẹp nhất, còn nhiều triển vọng để phát triển trong tương lai”, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao nói về thời điểm Việt Nam-Nhật Bản mới nâng cấp quan hệ.
Sau này hằng năm, nguyên Thủ tướng Nhật Bản đều có các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam, và phía Việt Nam cũng vậy, hầu như năm nào cũng có lãnh đạo cấp cao sang thăm Nhật Bản, tham dự các hội nghị quốc tế.
Đại sứ Hưng bày tỏ: “Khi mối quan hệ hai nước đã thân tình như vậy, thì khi các lãnh đạo hai nước gặp gỡ nhau, gần như tất cả các vấn đề quốc tế, khu vực và vấn đề hợp tác hai bên đều tìm được tiếng nói chung”.
Nhà lãnh đạo thân thiện
Tại nhiều cuộc gặp với các cấp, cựu Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhớ lại và nhận định: “chưa bao giờ thấy ông Abe gay gắt, mà rất thiện chí với Việt Nam, đặc biệt những đề xuất từ phía Việt Nam về dự án hợp tác, dự án ODA... ông đều đáp ứng rất tích cực”.
Dấu ấn đậm nét của Nhật Bản xuất hiện trong gần như mọi mặt trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, với những con số ấn tượng.
Nhật Bản là nước tài trợ vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai tại Việt Nam (lũy kế), là đối tác du lịch thứ ba của Việt Nam, và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Ông Hưng nhớ lại thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ về nước vào tháng 7/2015 khi đó Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản được tổ chức tại Tokyo, Thủ tướng Việt Nam sang tham dự, bên lề hội nghị có cuộc gặp song phương giữa hai Thủ tướng, lúc bấy giờ gần như các vấn đề mà Việt Nam nêu ra đều được Thủ tướng Abe vui vẻ chấp nhận, đồng ý hết.
"Một điều nữa khiến tôi rất ấn tượng là ông Abe gần gũi lắm, không tỏ quan cách, xa vời, bởi những nước lớn như Nhật Bản thì việc tiếp cận lãnh đạo rất là khó. Khi gặp gỡ trong các cuộc giao lưu, ông rất thân thiện, mọi người đặc biệt người Việt Nam khi đến chào hỏi, ông đều vui vẻ bắt tay, chụp ảnh cùng” - ông Hưng xúc động nhớ lại.
Ngay cả với phu nhân nguyên Thủ tướng Abe Shinzo – bà Abe Akie cũng để lại nhiều ấn tượng với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam: “Năm 2014, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt sang biểu diễn ở Nhật Bản dịp hai nước vừa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đoàn biểu diễn trong chùa cổ ở thành phố Nara dưới chân tượng Phật rất lớn, vợ chồng tôi ngồi cạnh phu nhân Abe Akie, được bà đón tiếp với sự gần gũi, thân thiện và mến khách”.
“Biết tin ông Abe từ trần, tôi xin chia buồn với nhân dân Nhật Bản và gia đình ông. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi biết tin này, đây là những tình cảm thật không chỉ với tư cách những nhà ngoại giao, và tôi tin rằng với tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đều cảm thấy như vậy”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trên mạng xã hội, hầu hết mọi người đều bày tỏ sự đau xót, chia buồn; hiếm có lãnh đạo nước ngoài nào mà người Việt lại bày tỏ sự quan tâm như thế, Đại sứ cho rằng điều này cũng thể hiện “mối quan hệ rất đặc biệt với Việt Nam và Nhật Bản hiện nay”.
Ông Abe là người có khát vọng lớn lao khôi phục sự phồn vinh, uy tín và vai trò của Nhật, ông đã làm được nhiều việc cho nước Nhật, ông cũng là người bạn lớn của Việt Nam. Có thể nói ông là người bạn khá thân quen, gần gũi của tất cả các vị lãnh đạo hiện giờ và trước đây của Việt Nam.
Nguyên Thủ tướng Abe qua đời ngày 8/7 ở tuổi 67 tại Bệnh viện Đại học Y Nara, tỉnh Nara, sau khi bị bắn lúc đang phát biểu. Đây là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một cựu thủ tướng hoặc thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản kể từ thời quân phiệt hồi thập niên 1930.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin, nghi phạm đứng cách ông Abe khoảng 5m và nã hai phát súng vào ông. Ông Abe được đưa lên trực thăng tới bệnh viện gần đó, nhưng qua đời vì vết thương quá nặng.
Nghi phạm bắn ông Abe được xác định là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi. Cảnh sát Nara cho biết nghi phạm khai nhận gây án vì "có ác cảm với một tổ chức" mà ông ta tin rằng ông Abe có liên quan. Cảnh sát cũng cho hay nghi phạm tuyên bố nhắm mục tiêu vào ông Abe "không phải vì yếu tố chính trị".