Nguồn tin từ ACE cho biết, các đối tượng vi phạm bản quyền nhắm đến khán giả toàn cầu, đặc biệt là người xem Hoa Kỳ, với những chương trình giải trí bằng tiếng Anh.
Trang web phát trực tiếp trái phép này đã hoạt động từ năm 2018 và đã cung cấp quyền truy cập bất hợp pháp vào hơn 100 kênh xem nội dung trực tiếp, bao gồm cả các kênh thể thao, phần lớn các kênh này thuộc về các thành viên của ACE. Trước khi USTVGO và các tên miền liên kết tới trang web này bị cho ngừng hoạt động, trung bình có hơn 16 triệu lượt truy cập mỗi tháng, với 75% lưu lượng truy cập đến từ Hoa Kỳ.
Các tòa án và cơ quan có liên quan khác ở Malaysia, Indonesia và Singapore trước đây đã từng phát hiện những tên miền của USTVGO vi phạm và làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) ngăn chặn. Tuy nhiên, các trang web vẫn tiếp tục hoạt động bên ngoài Việt Nam cho đến khi ACE trực tiếp tham dự vào việc chặn truy cập.
“Các hoạt động bảo vệ bản quyền gần đây nhất của chúng tôi đã thêm một bằng chứng cho thấy ACE đang đấu tranh thành công với các đối tượng vi phạm bản quyền ở Việt Nam và trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Những đối tượng vi phạm bản quyền ở Việt Nam đã cấu kết với một số dịch vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng nhất thế giới, gây thiệt hại đáng kể cho thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời biến Việt Nam thành điểm nóng về vi phạm bản quyền. Ngoài USTVGO, chúng tôi đã xác định được một số đối tượng khai thác vi phạm bản quyền ở Việt Nam và đang tận dụng tất cả các công cụ có sẵn để ngăn chặn hành vi vi phạm”, ông Jan van Voorn, Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Bảo vệ Nội dung Toàn cầu của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ và là người đứng đầu ACE cho biết.
Theo báo cáo của Media Partners Asia, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo là sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%.
Tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD.
Kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giúp gia tăng giá trị nhờ vào việc tăng lượng khách hàng hợp pháp và tăng doanh thu của lĩnh vực video trực tuyến cao cấp, có thể tăng gấp đôi giá trị đầu tư cho các nội dung video trực tuyến trong nước lên mức 150 triệu USD vào năm 2027, so với con số hiện tại ước tính là 75 triệu USD. Các biện pháp gia tăng kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ làm cho khoảng 60% hoặc nhiều hơn số thuê bao trái phép phải chuyển đổi sang các dịch vụ SVOD chi phí thấp và phổ biến ở Việt Nam.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đẩy mạnh nỗ lực chống vi phạm bản quyền các nội dung video trực tuyến sẽ giúp tăng 3 lần doanh thu video trực tuyến với cấp số nhân đáng kể trong quá trình này. Kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tạo thêm 4.870 việc làm mới cho thị trường lao động nhờ sản lượng lao động trong lĩnh vực video tăng lên 351 triệu USD vào năm 2027, một mức tăng đáng kể so với con số 134 triệu USD hiện nay.
ACE là liên minh bảo vệ nội dung phi lợi nhuận lớn nhất trên thế giới, đại diện cho hơn 38 công ty giải trí và các hãng phim lớn trên toàn cầu.
Là liên minh hàng đầu thế giới chuyên về bảo vệ thị trường pháp lý năng động và làm giảm vi phạm bản quyền kỹ thuật số, ACE được thúc đẩy bởi một phương pháp tiếp cận toàn diện để giải quyết vi phạm bản quyền thông qua các hoạt động thông báo tội phạm, tố tụng dân sự và ngừng hoặc chấm dứt vi phạm. Các thành viên hội đồng quản trị hiện tại của ACE là Amazon, Apple TV+, NBCUniversal, Netflix Studios LLC, Sony Pictures Entertainment, Paramount, Walt Disney Studios Motion Pictures và Warner Bros.
Việt Nam đứng thứ 3 khu vực về người dùng vi phạm bản quyền video trực tuyến
Theo thống kê, năm 2022 Việt Nam có 15,5 triệu người xem nội dung lậu và đứng thứ 3 khu vực về người dùng vi phạm bản quyền video trực tuyến, với những trang web, dịch vụ vi phạm bản quyền được vận hành từ bên ngoài.
Chặn hơn 500 website vi phạm bản quyền tại Việt Nam
Theo ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm bản quyền nội dung số Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2022, đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn trên 500 website vi phạm bản quyền.