Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Bệnh viện E, Hà Nội, cho biết ông từng gặp nhiều trường hợp tắc ruột do ăn canh măng, đặc biệt là vào dịp Tết. Bệnh nhân đa phần là người già hoặc những người đã từng mổ, cắt dạ dày. Thậm chí, bác sĩ này còn gặp trường hợp trẻ 6 tuổi bị tắc ruột do ăn măng khô mẹ xào.
Theo vị chuyên gia này, những trường hợp trên không nên ăn măng do hệ thống men tiêu hóa suy giảm cả về chất lượng và số lượng. Điều này gây khó khăn cho hệ tiêu hóa khi cơ thể phải tiêu thụ các chất khó tiêu. Đặc biệt, ở người cao tuổi răng yếu hoặc rụng, việc nhai, nghiền bị hạn chế khiến thức ăn khi đi vào đường tiêu hóa vẫn còn ở dạng thô, làm tăng nguy cơ tắc ruột.
Theo Tiến sĩ Phạm Việt Hoàng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội, trong Đông y, măng có vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc tiêu thực.
Măng khô là món ăn truyền thống, vừa chống ngán, vừa bổ sung chất xơ. Thực phẩm này giàu chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do và chất phytosterol tự nhiên, góp phần giảm mỡ máu và rối loạn cholesterol. Măng còn chứa nhiều vitamin thiết yếu như vitamin A, C, E, và B giúp tăng cường miễn dịch.
Tuy nhiên, chất xơ trong măng khó tiêu hóa hơn so với các loại rau xanh khác. Măng khô có tính lạnh nên chỉ ăn với liều lượng vừa phải, việc sử dụng quá nhiều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Tiến sĩ Hoàng cho rằng người có bệnh đường tiêu hóa ăn măng sẽ gây khó chịu, làm tổn hại dạ dày và thực quản. Những người đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản cũng không nên sử dụng loại thực phẩm này.
Hiện nay, trên thị trường, măng khô có thể bị tẩm các hóa chất chống nấm mốc như lưu huỳnh. Sản phẩm chứa chất này có thể khiến người dùng bị ngộ độc, dẫn đến các triệu chứng như say, nôn, ói. Vì vậy, bác sĩ Hoàng cho biết người dân nên ngâm măng vài ngày và luộc kỹ, sau đó ninh 2-3 giờ để lưu huỳnh bay hơi. Đặc biệt, canh măng không nên để qua đêm vì có thể gây ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi sinh vật.