Theo thống kê về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2019, rối loạn lipid máu (thường gọi là mỡ máu cao) gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu. Mỡ máu cao được xác định là một trong các yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh mạn tính không lây.
Ở Mỹ, giai đoạn từ năm 2015 tới 2018, 12% người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên có mức cholesterol toàn phần cao hơn 240mg/dl; 7% số trẻ 6-19 tuổi có cholesterol toàn phần cao.
Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người bị cholesterol cao. Ở thành thị, tỷ lệ người từ 25 tới 74 tuổi có chỉ số cholesterol cao lên tới 44,3%. Đây là kết quả điều ra theo mẫu dịch tễ học, số lượng thực tế có thể còn lớn hơn nhiều.
Mỡ máu hay còn gọi là lipid máu - một thành phần quan trọng của cơ thể do tham gia vào cấu trúc tế bào của tất cả các mô, tham gia vào hoạt động của não bộ, sản xuất các nội tiết tố (hormone), dự trữ vitamin… Mỡ luôn có mặt trong máu của người bình thường và duy trì ở một giới hạn cho phép. Trong một số trường hợp, các thành phần của mỡ máu vượt khỏi giá trị này, được gọi là rối loạn mỡ máu.
Rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tim mạch ("thủ phạm" gây tử vong hàng đầu). Đặc biệt, bệnh tim mạch ngày càng tăng và trẻ hóa do thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Xơ vữa động mạch là hậu quả của rối loạn mỡ máu lâu ngày. Bệnh diễn biến thầm lặng hàng chục năm, đến khi xuất hiện triệu chứng trầm trọng như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ… Nguyên nhân của bệnh là các mảng xơ vữa phát triển làm hẹp lòng động mạch, từ đó làm giảm cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho các tổ chức tại nơi động mạch đó đi qua, nghiêm trọng nhất là khi tắc nghẽn mạch máu tại não và tim gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Bản chất của các mảng xơ vữa được hình thành từ chất béo, cholesterol, canxi và một số chất khác tích tụ trong thành động mạch. Theo thời gian, các mảng bám đó xơ cứng lại, có thể nứt và viêm loét tạo điều kiện cho các tiểu cầu kết dính với nhau hình thành huyết khối. Cục huyết khối bong ra rồi di chuyển trong lòng mạch có thể gây tắc ở bất kỳ nơi nào chúng đi qua và dẫn dến nhồi máu não, tai biến mạch máu não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Xét nghiệm mỡ máu định kỳ không những có giá trị trong tiên lượng, chẩn đoán và theo dõi điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ mà còn có giá trị trong phòng bệnh tim mạch.
Ai cần xét nghiệm mỡ máu định kỳ?
- Thừa cân béo phì (3 tháng/lần)
- Có tiền sử gia đình mỡ máu cao (3 tháng/lần)
- Xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, suy giáp… (1 tháng/lần)
- Hút thuốc lá, ít vận động (3 tháng/lần)
- Đang điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ (1 tháng/lần)
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần)
Người bệnh cần nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm (lấy máu tại thời điểm cách bữa ăn gần nhất trên 10 tiếng) để đảm bảo kết quả được chính xác nhất.
Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ phân tích và đưa ra lời khuyên cụ thể dựa trên việc tổng hợp: khai thác tiền sử gia đình, bệnh sử, các yếu tố nguy cơ và các xét nghiệm khác; nếu cần bác sĩ có thể xem thêm các xét nghiệm thăm dò khác như: siêu âm, chụp mạch, điện tâm đồ, siêu âm Doppler…
Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Thị Hương, Trưởng khoa Hóa sinh, Viện Huyết học - Truyền máu Truyền máu Trung ương