{keywords}
Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà đến phiên tranh tụng tại tòa án Canada ngày 29/10. Ảnh: Bloomberg

Trong phiên tranh tụng ngày 29/10 liên quan tới vụ dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ, Thẩm phán Heather Holmes của Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia (Canada) cho biết bà Mạnh được phép mang đến một số bằng chứng mà bà đã yêu cầu. Theo Thẩm phán, bằng chứng này có thể thách thức tính tin cậy của yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ.

Bà Mạnh, 48 tuổi, bị bắt tại Vancouver tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ, nơi bà bị buộc tội gian lận vì đã lừa ngân hàng HSBC xử lý giao dịch liên quan tới Iran, khiến ngân hàng có nguy cơ vi phạm lệnh cấm vận. Phía bà Mạnh phản bác, lập luận yêu cầu và tài liệu hỗ trợ của Mỹ “hoàn toàn không chính xác”, tới mức cấu thành hành vi lạm dụng quy trình nghiêm trọng, đủ để tòa án bác bỏ vụ dẫn độ. Vào tháng 9, công tố viên bác yêu cầu cung cấp thêm tài liệu của bà Mạnh vì lý do an ninh và không liên quan tới vụ bắt giữ tại Vancouver.

Thẩm phán Holmes bác yêu cầu của công tố viên và sẽ cho phép bà Mạnh mang đến hai bằng chứng quan trọng. Một trong số đó là hàng loạt email cho thấy HSBC nhận thức được quan hệ kinh doanh giữa Huawei với Iran và không thể bị bà Mạnh lừa dối. Bằng chứng còn lại là trích dẫn từ thỏa thuận truy tố năm 2012 mà trong đó, Bộ Tư pháp Mỹ nói sẽ khơi lại các cáo buộc hình sự đối với HSBC nếu ngân hàng này "cố tình" xử lý các giao dịch vi phạm lệnh trừng phạt trong tương lai.

Nó không phù hợp với trường hợp của bà Mạnh do Mỹ tranh luận HSBC đã vô tình xử lý giao dịch bất hợp pháp vì bà Mạnh lừa dối. Thẩm phán Holmes chỉ ra trong yêu cầu dẫn độ bà Mạnh, Mỹ bỏ từ “cố tình” trong bản tóm tắt rủi ro gửi HSBC.

Thắng lợi của bà Mạnh, tuy nhỏ, là dấu hiệu tích cực sau hàng loạt thất bại của bà Mạnh trong quá trình tranh tụng kéo dài. Vào tháng 5, nỗ lực xin phóng thích của bà Mạnh bị dập tắt do Thẩm phán Holmes cho rằng vụ việc của bà là phép thử quan trọng cho luật dẫn độ của Canada. Ba tháng sau, một tòa án liên bang bác yêu cầu tiếp cận tài liệu của bà vì lý do an ninh quốc gia. Sau đó, tháng 9, bà lại không thuyết phục được Thẩm phán Holmes để tiếp cận tài liệu mật mà chính phủ Canada đang nắm về vụ bắt giữ.

Vụ kiện chống lại bà Mạnh, con gái đầu của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, nằm trong nỗ lực lớn hơn của chính quyền Tổng thống Trump nhằm kiềm chế Trung Quốc và Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuần này, bà Mạnh quay lại tòa án cho phiên tranh tụng mới nhất mà trong đó, cảnh sát và hải quan Canada tham gia vào vụ bắt giữ sẽ làm chứng. Bà Mạnh cáo buộc cảnh sát Canada và Cục Điều tra liên bang Mỹ sử dụng bất hợp pháp quy trình kiểm tra nhập cảnh để buộc bà tiết lộ bằng chứng mà sau này có thể được dùng để chống lại bà.

Du Lam (Theo Bloomberg)

Samsung Display được cấp phép bán hàng cho Huawei

Samsung Display được cấp phép bán hàng cho Huawei

Theo nguồn tin của Nikkei, Samsung Display đã được chính phủ Mỹ cấp giấy phép để bán tấm nền cho Huawei. Đây là công ty châu Á đầu tiên được “bật đèn xanh” tiếp tục kinh doanh với Huawei.