Soạn một dự luật; thu thập ý kiến của công chúng về những nội dung của dự luật; phân tích chi phí mà các quy định trong dự luật gây ra v.v…Những công việc này trong quy trình lập pháp từ trước tới nay do con người làm toàn bộ, dù có dùng máy tính, phần mềm, thì vẫn là con người; thậm chí “lọ mọ” một cách thủ công.
Tuy nhiên, gần đây, trong trào lưu chung như ở các lĩnh vực khác, đã có những nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động lập pháp. Vậy thì AI có thể giúp gì cho các nhà lập pháp? AI không thể, hay chưa thể làm gì, đặt ra những thách thức gì? Và làm sao để ứng dụng AI trong hoạt động lập pháp?
AI làm được gì?
Tại thời điểm hiện tại, trên thế giới cũng mới chỉ có số ít nghị viện như Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản, Phần Lan, Brasil….bắt đầu ứng dụng AI trong soạn thảo, phân tích, đánh giá về mặt kỹ thuật lập pháp và nội dung của dự luật.
Chẳng hạn như Phòng Lưu trữ Nghị viện châu Âu xây dựng phần mềm để phân tích kho dữ liệu rất lớn. Thượng viện Ý triển khai AI dựa trên học máy và học sâu: phân loại các luật, các lần sửa đổi, kiểm tra những nội dung giống nhau. Ủy ban nghiên cứu tương lai của Quốc hội Phần Lan ứng dụng AI để tiến hành điều trần về Chương trình nghị sự 2030 của LHQ và các thách thức trong sử dụng công nghệ tiên tiến.
Năm 2019, Hạ viện Brazil ra mắt Ulysses, một bộ công cụ AI với các chức năng như: Tổ chức nội dung theo chủ đề, khảo sát điện tử, thu thập ý kiến người dân trong quá trình làm luật, xác định nhu cầu của các nghị sỹ. Sử dụng chatbots ở Quốc hội Nam Phi hỗ trợ cung cấp thông tin cho các nghị sỹ.
Hạ viện Mỹ sử dụng AI để so sánh các dự thảo, diễn giải các tài liệu tham khảo, phục vụ đề xuất các điểm sửa đổi. Hoặc như một Hạ nghị sĩ Mỹ đã dùng chatbot để viết bài phát biểu kêu gọi quy định về AI; thượng nghị sỹ Finegold của bang Massachusets dùng ChatGPT để soạn dự luật về AI v.v…
Qua những gì đã làm ở các nước, có thể thấy, AI có thể hỗ trợ nhiều cho hầu như trong toàn bộ quy trình lập pháp. Rõ nhất là tiết kiệm thời gian, công sức.
Nếu theo cách làm truyền thống, có những công việc mất nhiều ngày, nhiều tuần, thì với AI, chỉ mất vài giờ, thậm chí vài phút với những thao tác đơn giản. Hoặc như ChatGPT đã “làm hộ” cho thượng nghị sỹ Finegold 70% khối lượng công việc trong soạn thảo dự luật.
Không chỉ thế, AI giúp cho việc soạn thảo hay phân tích, đánh giá được đầy đủ, chính xác hơn, dựa trên bằng chứng nhiều hơn. Đây cũng là một công cụ mạnh để bảo đảm minh bạch, ví dụ như cho phép theo dõi “đường đi nước bước” của các điều khoản đã thay đổi như thế nào trong quy trình lập pháp; làm rõ hơn trách nhiệm của các bên tham gia vào quy trình lập pháp.
AI tham gia làm luật: Vướng mắc ở đâu?
Các cơ quan tham gia vào quy trình lập pháp phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến việc ứng dụng AI. Sự phức tạp của luật về cấu trúc, ngôn ngữ, phong cách, chuyên môn dễ làm cho AI rối trí, sai lệch.
Như trường hợp dự luật của Thượng nghị sỹ Finegold nói trên, dù ChatGPT đã giúp làm được 70% khối lượng công việc, nhưng vẫn xảy ra lỗi, con người phải can thiệp sửa chữa, giống như ô tô tự hành đã không phản ứng được với tình huống gặp bão tuyết; và 30% việc còn lại là những việc mấu chốt, đòi hỏi mức trí tuệ cao hơn.
Một GS luật ở Hà Lan đã thử nghiệm đặt lệnh bằng tiếng Hà Lan cho ChatGPT soạn dự luật điều chỉnh việc nuôi chó dữ, và kết quả cho thấy, dù đưa ra một số giải pháp khá bất ngờ, “nhà soạn thảo” này mắc nhiều lỗi về cấu trúc, kỹ thuật lập pháp, thiếu tính hệ thống, tính toàn diện. Điều thú vị là khi đặt lệnh bằng tiếng Anh, ChatGPT đã cho ra sản phẩm tốt hơn bản tiếng Hà Lan, nhưng vẫn ngắn hơn, đơn giản hơn đạo luật thật của Anh.
Trong cuốn Nếp gấp thời gian, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng dành cho trẻ em, có nhân vật NÓ, tiếng Anh là IT. NÓ là một cỗ máy quyền lực cai quản xứ sở cách hành tinh Trái Đất hàng ngàn năm ánh sáng, nơi mà cô bé 10 tuổi Meg cùng em trai lạc vào, bị NÓ xâm nhập vào não và điều khiển em trai Meg. Cuối cùng, Meg đã dùng một thứ mà NÓ không có để cứu được em – TÌNH YÊU.
Tương tự như NÓ, hoạt động lập pháp đòi hỏi những phẩm chất mà Ai vẫn thiếu như tính người (đạo đức, trái tim, trực giác, sự mẫn cảm); những nhận định mang tính giá trị (phải – trái, tốt - xấu, công lý, công bằng, bình đẳng). AI vẫn có định kiến giới, chủng tộc…., vì dữ liệu được cung cấp cho AI còn chứa sự định kiến như vậy.
Một trở ngại lớn hiện nay ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam là việc soạn thảo, tham vấn, xem xét, đánh giá các dự luật vẫn chủ yếu vẫn thủ công, mất nhiều thời gian, công sức nhưng cũng không bảo đảm tính toàn diện, sự chính xác. Muốn ứng dụng AI, phải đầu tư kinh phí khổng lồ để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; chuyển đổi quy trình truyền thống sang quy trình dựa trên các nền tảng công nghệ số hiện đại.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là các nhà lập pháp thậm chí còn không biết AI là gì, theo lời Hạ nghị sĩ Jay Obernolte, thành viên duy nhất của Quốc hội Mỹ có bằng thạc sĩ về trí tuệ nhân tạo. “Quý vị sẽ ngạc nhiên khi biết tôi đã phải dành bao nhiêu thời gian chỉ để giải thích với các đồng nghiệp của mình rằng mối nguy hiểm chính của AI không phải từ những con robot độc ác với tia laze đỏ phát ra từ mắt”, Obernolte nói.
Còn ở Việt Nam, ngoài những thách thức nói trên, vấn đề này hầu như chưa được nhắc đến trên các diễn đàn chính thức, mà mới chỉ chung chung về ứng dụng công nghệ thông tin, Quốc hội điện tử, Chính phủ số.
Được biết, hiện có một cơ sở nghiên cứu đang hoàn thành đề tài về nội dung này, nhưng chưa biết khi nào sẽ được ứng dụng trên thực tế. Trực tiếp nhất, đại biểu Quốc hội khóa XIV Lê Công Nhường tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 30/5/2019 đã đề nghị áp dụng AI để trợ giúp công tác xây dựng pháp luật.
Mới chỉ có vài yếu tố có thể làm cơ sở cho việc ứng dụng AI trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam như website "Dự thảo online", phần mềm hỗ trợ đại biểu Quốc hội cài trên thiết bị điện tử, các cơ sở dữ liệu luật và những cơ sở dữ liệu khác về dân cư, đất đai, y tế, giáo dục, hộ tịch v.v….Tuy nhiên, trong khi dữ liệu là nguồn “nuôi” AI, các dữ liệu này còn rời rạc, chưa được kết nối chặt chẽ, việc chia sẻ dữ liệu còn vướng mắc.
Không chậm trễ trong cuộc chơi này
Dù sao chăng nữa, với những lợi ích mang lại, việc ứng dụng AI trong hoạt động lập pháp là điều hiển nhiên. Như Thượng nghị sỹ Finegold nói: “Đó là một công cụ rất tích cực, hiệu quả; và chúng ta không thể chậm trễ trong cuộc chơi này”.
Có thể ứng dụng AI trong các công đoạn của quy trình lập pháp, từ khi lập chính sách, đánh giá tác động, sang đến soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tham vấn công chúng, cho đến khi thảo luận, suy xét trước khi biểu quyết.
Để làm điều đó, trước hết cần thay đổi quan niệm về luật, về xây dựng luật; xác định được công đoạn nào cần được ưu tiên ứng dụng AI, tính toán được lợi ích và chi phí; tránh để bị lợi dụng, thao túng với sự an toàn, kiểm soát hết mức; phải chịu sự giám sát của các bên. Cần đầu tư vào những yếu tố con người. Học, học, học – giới lập pháp cũng phải đi học về công nghệ, như bức ảnh chụp một nghị sỹ Mỹ đang “hớn hở” cắp sách theo đúng nghĩa đen đi học khóa buổi tối về AI.
Trong một khóa tập huấn cho đại biểu HĐND, một báo cáo viên đã nói rất hình ảnh: chính sách cần xuất phát từ con tim và đi qua khối óc của người làm chính sách. Thiếu một trong hai thứ, chính sách có nguy cơ cao sẽ lệch hướng, thất bại. Làm chính sách, lập pháp cũng như khám, chữa bệnh, cần phải bắt mạch cuộc sống, xem nó đang đau ở đâu, mức độ nào, tại sao đau, và kê đơn – chính là đề ra những chính sách thể hiện qua những điều khoản, quy định của luật.
AI, với những lợi thế của mình, có thể giúp ích rất nhiều trong việc bắt mạch, tìm ra căn bệnh, kê đơn cho nhà lập pháp. Tuy nhiên, AI chỉ là công cụ, chứ trong nhiều trường hợp, AI không thể thay thế con người phân biệt được phải trái – đúng sai, coi trọng các giá trị như dân chủ, công lý, công bằng, bình đẳng, pháp quyền. Trong hoạt động lập pháp, tương tự như NÓ, AI không có được những phẩm chất con người như trực giác, sự nhạy cảm, đồng cảm, thấu cảm, cảm nhận về nỗi đau….
AL có thể chỉ trong vài phút cho ra hàng loạt dữ liệu về đất đai, về rừng. Nhưng liệu AI có đau, có KHÓC được như thế này trước những nỗi đau của ĐẤT MẸ?
Đất khóc bạc phận đất
tuôn sông dài biển khơi
Núi khóc dựng vách đá
mẹ bồng con giữa trời!
Rừng khóc cây nghiêng ngả
Gió nghẹn lòng thung sâu
Những trái tim gỗ đá
Người có còn khóc nhau?
(KHÓC, tác giả Nguyễn Minh Thuận, 2001)
Trong hoạt động lập pháp, AI có thể là một khối óc siêu việt giúp bắt mạch cuộc sống; đồng thời, nhà lập pháp vẫn phải có trái tim để bắt mạch cuộc đời:
Chính sách bắt mạch cuộc đời
Trí tuệ nhân tạo mang lời cho Dân.
Nguyễn Đức Lam