Bộ Công an đang lấy ý kiến về báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật được Bộ Công an đề xuất là cấm tuyệt đối người lái xe có nồng độ cồn.
Bảo hiểm từ chối thanh toán
Đề xuất này một lần nữa nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau từ dư luận xã hội. Mới đây nhất, trên một diễn đàn chuyên về ô tô, một người dùng mạng đã bày tỏ phản đối quy định nồng độ cồn bằng 0. Lấy dẫn chứng từ chính tình huống bản thân, chị này giới thiệu mình là nữ nhân viên văn phòng không hút thuốc lá, không sử dụng rượu bia và không dùng bất cứ loại thuốc nào trong vòng ít nhất 1 tuần trước khi xảy ra sự việc.
Vào khoảng 19h một ngày trong năm 2023, khi còn chưa ăn tối, nữ nhân viên văn phòng đang đi xe máy thì bị va quệt. Tai nạn xảy ra ngay gần một bệnh viện trên đường Thuỵ Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) nên chị đã vào viện để kiểm sức khỏe, sát khuẩn băng bó vết thương.
Do nữ bệnh nhân có bảo hiểm sức khoẻ và khám chữa bệnh nội ngoại trú nên bác sĩ tư vấn bệnh nhân cần làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu để được thanh toán bảo hiểm. Người phụ nữ này đã làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
“Kết quả thật bất ngờ: Định lượng Ethanol (cồn) trong máu là 15.8mg/dl - lớn hơn 0 trong khi tôi không hề uống rượu bia, thậm chí còn chưa kịp ăn tối ?. Tôi lập tức đặt câu hỏi thì được bác sĩ giải đáp: Nồng độ nhỏ hơn 50mg/dl thì đây là nồng độ cồn bình thường và tự nhiên trong cơ thể con người.
Đối chiếu Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng Ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu: tại điểm IV "nhận định kết quả" có ghi: Trị số bình thường: < 10.9 mmol/l (tương đương 50mg/100ml hay 50mg/dl).
Khi gửi bộ hồ sơ tới Công ty bảo hiểm để thanh toán chi phí liên quan thì tôi nhận được lời từ chối bồi thường từ bên bảo hiểm với lý do "có nồng độ cồn khi tham gia giao thông”, nữ nhân viên văn phòng viết.
Trước tình huống bản thân trải qua, người phụ nữ này cho rằng “quyền lợi chính đáng của bản thân” đã bị “từ chối” chỉ vì xét nghiệm trong máu có nồng độ cồn ở mức bình thường và là trị số sinh hoá tự nhiên. Với kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng, chị lo ngại hoàn toàn có thể bị tước giấy phép lái xe có thời hạn và phạt tiền triệu...nếu bị cảnh sát thổi nồng độ cồn ngoài đường.
Do đó, người phụ nữ này kiến nghị nên chỉnh, sửa luật theo hướng “Có giới hạn nồng độ cồn tối thiểu” khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Ăn bò hầm rượu vang không thể thổi lên cồn
Chiều 23/2, trao đổi với PV VietNamNet, PGS. TS. Phạm Việt Cường (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng) vẫn bảo lưu quan điểm nên giữ mức độ cồn bằng 0 đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Ông Cường cho biết, trước Tết có tham gia cuộc họp do Bộ Công an tổ chức về kết quả triển khai nồng độ cồn. Tại đây ngành y tế cũng có báo cáo cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do uống rượu, bia gây tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm đáng kể.
“Do đó, tôi cho rằng vẫn nên duy trì quy định của Luật Phòng chống tác hại rượu bia và đề xuất của Bộ Công an trong Luật trật tự, an toàn giao thông mà không nên thay đổi”, PGS. TS Phạm Việt Cường nói.
Quay trở lại tình huống của nữ nhân viên văn phòng dù không uống rượu nhưng vẫn có cồn trong máu, PGS. TS Phạm Việt Cường cho rằng, đây là tình huống xác định nồng độ cồn để tính bảo hiểm. Đây là trường hợp có cồn nội sinh trong cơ thể. Cách thức thực hiện khác với việc thổi nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
“Việc thổi nồng độ cồn qua hơi thở ở ngoài đường do lực lượng CSGT thực hiện chắc chắn không thể phát hiện được cồn nội sinh. Những người tham gia giao thông không uống rượu, bia chắc chắn không lên được. Tôi được biết, lực lượng CSGT chưa phát hiện trường hợp nào nồng độ cồn vượt ngưỡng do ăn, uống siro hoa quả lên men”, PGS. TS Phạm Việt Cường nói.
Chuyên gia cũng đã tìm hiểu rất kỹ những trường hợp xét nghiệm máu có cồn nội sinh được chia sẻ trên các diễn đàn những ngày qua. Ông nhận thấy các trường hợp này kết quả xét nghiệm cồn trong máu có tỷ lệ rất thấp. Với tỷ lệ này, nếu đo trong hơi thở không phát hiện ra.
“Điều này cho thấy có trường hợp cơ thể tồn tại cồn nội sinh nhưng chỉ xét nghiệm máu mới ra còn đo trong khí thở thì không thể lên được. Còn đo nồng độ cồn qua hơi thở chỉ lên khi người điều khiển phương tiện giao thông có uống rượu, bia với mức độ nhất định.
Nhiều người nêu lý do vừa ăn bò hầm rượu vang …nhưng tình huống này cũng khó có thể lên. Bởi khi cho rượu vang vào nồi nấu thì cồn cũng đã bay hơi hết”, PGS. TS Phạm Việt Cường bày tỏ.