Theo Reuters, trong ngày 22/2, một số quan chức Ấn Độ tham gia vào quá trình chuẩn bị cho hội nghị các quan chức tài chính G20 tiết lộ, hội nghị sẽ bàn về tác động từ cuộc xung đột Ukraine với nền kinh tế vĩ mô, nhưng không thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới với Nga.
"Trên cương vị chủ tịch luân phiên của G20, Ấn Độ không muốn thảo luận cũng như không ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt bổ sung nào đối với Nga. Các lệnh trừng phạt hiện có đối với Moscow gây ra nhiều tác động tiêu cực trên thế giới", nguồn tin của Reuters cho biết.
Ngoài ra, một quan chức tài chính Ấn Độ chia sẻ với Reuters rằng, "G20 là một diễn đàn kinh tế để thảo luận về các vấn đề tăng trưởng, không phải trừng phạt".
Hiện tại, chính phủ, Bộ Tài chính cùng Bộ Ngoại giao Ấn Độ đều từ chối bình luận về thông tin này. Tại buổi họp báo chào mừng các đoàn đại biểu tới tham dự hội nghị G20, Bộ trưởng Thông tin Ấn Độ Anurag Thakur cũng nhấn mạnh rằng: "Đây không phải thời đại dành cho xung đột. Dân chủ, đối thoại và ngoại giao là con đường phía trước".
Kể từ khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt, Ấn Độ vẫn luôn duy trì quan điểm trung lập, kêu gọi tìm kiếm giải pháp ngoại giao và đẩy mạnh nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Cuộc họp tại Bengaluru là cột mốc quan trọng trong năm Chủ tịch G20 của Ấn Độ, được cho là sẽ bị phủ bóng bởi sự kiện tròn 1 năm cuộc xung đột Ukraine nổ ra.