Điều đầu tiên đập vào mắt bất kỳ ai lần đầu tới Ấn Độ chắc chắn sẽ là những công trình kiến trúc cổ kính, không chỉ ở New Delhi và những vùng phụ cận mà còn rải rác trên khắp cả nước.
Tại Ấn Độ, các di tích nổi tiếng nhất phải kể đến là những kiệt tác kiến trúc thời kỳ Mughal như lăng mộ Humayun tại New Delhi và lăng mộ bằng đá cẩm thạch Taj Mahal tại Agra. Lăng Taj Mahal là một trong 7 kỳ quan thế giới, do Hoàng đế Mughal Shah Jahan xây dựng để tôn vinh tình yêu của ông đối với người vợ quá cố.
Nhiều pháo đài và cung điện nguy nga như Pháo đài Đỏ ở New Delhi, Pháo đài Agra, Pháo đài Jaisalmer và Cung điện Amber ở Jaipur... cũng là những điểm rất đáng tham quan nằm cách thủ đô không xa.
Kiến trúc cổ thể hiện ở hầu hết các ngôi đền, được trang trí lộng lẫy với các tác phẩm điêu khắc về các vị thần, các vũ điệu và truyện sử thi. Tại New Delhi, di tích nổi tiếng nhất là ngôi đền Akshardham, một công trình kiến trúc Hindu với hàng ngàn bức tượng đá trắng tinh xảo.
Các ngôi đền cổ khác phải đến thăm là đền Mặt trời ở Konarak, bang Orissa và đền Khajuraho, một di sản UNESCO nằm ở miền trung với những tác phẩm điêu khắc về quan hệ nam nữ.
Ở miền nam Ấn Độ, di tích nổi tiếng nhất là Tirupati Balaji, ngôi đền Hindu giàu nhất thế giới, với tổng giá trị tài sản 27,56 tỷ USD. Ngôi đền thờ thần Vishnu, thu hút khoảng nửa triệu người hành hương đến đây mỗi ngày vào dịp lễ hội, khiến nó trở thành thánh địa Hindu giáo được viếng thăm nhiều nhất Ấn Độ.
Một di tích nổi tiếng của người Sikh không thể bỏ qua là đền Vàng ở bang Punjab, được dát bằng vàng nguyên chất. Các giếng bậc thang cũng là nơi đáng tới, như giếng Rani ki Vav (Giếng của nữ hoàng) ở Patan phía bắc Gujarat, được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đối với người Việt Nam theo đạo Phật, ngoài việc chiêm bái Tứ thánh địa gồm nơi Phật đắc đạo ở Bodhgaya, Phật giảng đạo ở Vanarasi, Phật sinh ở Lambini (Nepal) và Phật Niết bàn ở Kushinagar thì không thể bỏ qua những kiệt tác kiến trúc Phật giáo khác như quần thể tu viện Phật giáo được đẽo sâu vào đá ở khu vực Ajanta và Ellora gần Mumbai, hay Đại bảo tháp Sanchi do Hoàng đế Ashoka dựng lên gần Bopal, miền trung Ấn Độ.
Nhìn chung, khí hậu Ấn Độ rất nóng vào mùa hè ở cả miền nam và miền bắc, riêng ở cao nguyên miền trung như Pune và Bangalore thì mát mẻ hơn. Do vậy, thời điểm tốt nhất để đến thăm Ấn Độ là vào mùa đông, bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến hết tháng 3.
Đây cũng là lúc các lễ hội sôi động diễn ra khắp nơi tại Ấn Độ, bắt đầu bằng lễ hội Dussehra vào tháng 10 khi người ta dựng lại các vở kịch tái hiện câu chuyện về Ramayana, và tiếp theo là lễ hội ánh sáng Diwali với đèn màu được trang trí lung linh khắp nơi và pháo hoa được bắn lên bầu trời, còn mọi người thì hồ hởi tặng quà cho nhau.
Các lễ hội truyền thống phổ biến khác được tổ chức trên phần lớn đất nước Ấn Độ vào tháng 2 là Vasantpanchami để vinh danh Sarasvati, nữ thần học tập và lễ hội Holi vào tháng 3, mọi người tham gia lễ hội sẽ ném bột màu vào nhau.
Trong các lễ hội, phụ nữ thường vẽ màu Henna lên da cho nhau, không chỉ để làm đẹp mà còn có ý nghĩa tâm linh, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến nhau.
Mùa đông cũng là thời điểm lý tưởng để khám phá các bang khó đến vào mùa hè như bang Rajasthan, nơi có những lễ hội lạc đà rất đặc sắc trên sa mạc.
Mùa đông là lúc bạn có thể nhâm nhi một chén trà sữa gọi là “Chai”, được bán tại mọi ngõ ngách của Ấn Độ, giúp bạn ấm người lên trong thời tiết giá lạnh.
Ẩm thực Ấn Độ nhìn chung rất nhiều gia vị và món nào cũng có mùi masala đặc trưng, khó thưởng thức ngay được đối với người Việt Nam và người nước ngoài nói chung. Bạn có thể bắt đầu thử bằng món đơn giản là “Nan” được làm bằng bột mì trắng, nướng trong lò và quét lên một lớp bơ hành rất thơm, ăn cùng với nước sốt làm bằng đậu đỏ gọi là "Dal".
Bạn có thể mở rộng vùng khám phá ẩm thực Ấn Độ của mình bằng những món dễ ăn khác như gà rán kiểu Ấn hoặc các loại bánh nhân khoai tây. Khi bắt đầu có cảm tình với đồ ăn Ấn Độ, bạn có thể thưởng thức các món cà ri nấu với thịt cừu hoặc paneer (tức là pho mát non). Các món này rất nhiều dưỡng chất và có đặc tính chữa bệnh.
Các món tráng miệng của Ấn Độ phải kể đến các loại bánh ngọt làm từ đậu và sữa, giống như bánh đậu xanh của Việt Nam nhưng ngọt hơn, béo vị sữa hơn và đôi khi còn được dát lớp vàng hoặc bạc mỏng tang, trông lóng lánh và ăn vào rất tốt cho việc thải độc.
Khi khám phá Ấn Độ, không thể không lưu ý tới một số phong tập tập quán của người dân nơi đây. Nhìn chung người Ấn rất thân thiện dễ gần, nếu bạn bị lạc họ sẽ chỉ đường rất tận tình.
Câu chào hỏi thông dụng là "namaste" và trang trọng hơn là "namaskar", nếu muốn sang trọng hơn nữa thì nói thêm từ "ji" vào cuối câu chào. Bắt tay, đưa quà hay đưa bất cứ đồ vật gì cũng luôn phải bằng tay phải, tay trái chỉ dùng vào việc vệ sinh. Nếu không, chỉ cần chắp hai bàn tay trước ngực và hơi cúi đầu, đặc biệt khi gặp người lớn tuổi và phụ nữ.
Cởi giày dép trước khi vào những nơi thờ cúng là việc bắt buộc để tránh mang bụi bẩn đến nơi sạch sẽ và linh thiêng. Đỉnh đầu được coi là bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể con người. Chạm vào đỉnh đầu của ai đó sẽ bị coi là thô lỗ và thiếu tế nhị. Điều này đặc biệt đúng với trẻ sơ sinh, trẻ em, người già, các nhà lãnh đạo tôn giáo hoặc các bức tượng thần.
Bàn chân được cho là bộ phận 'bẩn nhất' trên cơ thể, do vậy không bao giờ được để lòng bàn chân chĩa vào người khác, vào đền thờ hoặc tượng thần. Để tránh điều này, hãy ngồi khoanh chân hoặc quỳ trên sàn khi ở trong đền thờ hoặc thánh địa. Nếu bạn phải duỗi chân ra, hãy tránh các biểu tượng thiêng liêng. Đừng bao giờ quay lưng lại với một bức tượng tôn giáo.
Nếu tặng quà thì tránh gói bằng giấy trắng hoặc đen, bởi màu đen biểu thị sự tức giận, xấu xa và tiêu cực, trong khi màu trắng dành cho tang lễ. Thay vào đó, hãy chọn màu đỏ, xanh dương hoặc xanh lục, đồng thời tránh những món quà được làm từ da, nhất là da lợn.
Một cử chỉ của người Ấn rất khác với mọi nơi trên thế giới là lắc lư đầu sang hai bên vai. Điều đó không phải là từ chối, mà có nghĩa là đồng ý, cảm ơn hoặc biểu thị sự hiểu biết, tùy thuộc vào ngữ cảnh của cuộc trò chuyện. Muốn làm quen nhanh nhất, hãy nói về bóng chày (Cricket), vì đây là môn thể thao rất được ưa chuộng ở nước này. Khi chia tay, “tạm biệt” được coi là quá dứt khoát, nên thay vì nói điều đó, người Ấn hay nói “hẹn gặp lại sau”.
Khi ra đường, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy bò đi lang thang, dù có làm tắc nghẽn giao thông cũng phải chờ cho bò đi qua. Bò tại Ấn Độ được tôn thờ như biểu tượng hào phóng của đất mẹ, cung cấp nguồn sữa để duy trì sự sống. Do vậy, hành động giết bò, hay ăn thịt bò bị coi là bất hợp pháp ở một số bang.
Trên đây mới chỉ là một số ít những điều nên khám phá và cần lưu ý khi đi du lịch ở Ấn Độ. Thăm Ấn Độ bao nhiêu ngày, bao nhiều lần cũng sẽ không bao giờ là đủ.
Đại sứ Tôn Sinh Thành - Nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ)