Hôm 1/2, Ấn Độ đã đề xuất tăng khoản chi tiêu quốc phòng lên thành 5,94 nghìn tỷ Rupee (72,6 tỷ USD) cho năm tài khóa 2023 - 2024, tăng 13% so với ước tính ban đầu của giai đoạn trước, nhằm bổ sung thêm dàn máy bay chiến đấu và xây đường dọc biên giới đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã phân bổ 1,63 nghìn tỷ Rupee cho đầu tư quốc phòng như trang bị các loại vũ khí mới, máy bay, tàu chiến và nhiều thiết bị quân sự khác.
Cũng theo bà Sitharaman, ngân sách quốc phòng cho năm tài chính hiện thời sẽ kết thúc vào tháng Ba tới là 5,85 nghìn tỷ Rupee, tăng hơn so với con số 5,25 nghìn tỷ Rupee dự tính trước đó.
Trong vài năm qua, Thủ tướng Narendra Modi đã đẩy mạnh chi tiêu để hiện đại hóa quân đội, đồng thời thúc đẩy sản xuất vũ khí trong nước để cung cấp cho các lực lượng được triển khai dọc hai đường biên giới đang xảy ra tranh chấp với Ấn Độ và Pakistan.
Tuy nhiên, tổng ngân sách quốc phòng năm 2022 của Ấn Độ tương đương khoảng 2% GDP nước này hiện vẫn thấp hơn nhiều so với con số 1,45 nghìn tỷ Nhân dân tệ (230 tỷ USD) mà Trung Quốc đã chi cùng năm.
Còn hiện tại, Ấn Độ có kế hoạch chi gần 242 tỷ Rupee (3 tỷ USD) để xây dựng hạm đội hải quân, và hơn 571 tỷ Rupee (7 tỷ USD) để mua vũ khí cho lực lượng không quân như sắm thêm các máy bay chiến đấu.
Lực lượng vũ trang Ấn Độ hiện có 1,38 triệu binh sĩ với số lượng lớn được điều động tới dọc các tuyến đường biên giới giáp với Trung Quốc và Pakistan.
Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới kéo dài 3.500km vẫn xảy ra tranh chấp kể từ những năm 1950. Vào năm 1962, hai nước rơi vào chiến tranh biên giới.
Còn hồi năm 2020, ít nhất 24 binh sĩ đã tử vong sau khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra xung đột ở khu vực Ladakh, phía tây dãy núi Himalaya. Căng thẳng giữa hai bên chỉ hạ nhiệt sau nhiều vòng đàm phán quân sự và ngoại giao.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2022, một vụ đụng độ lại xuất hiện ở phía đông Himalaya, nhưng không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.