Trong cuộc phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn Tass, ông Alipov cho hay gần 1.000 xe tăng T-90, và 300 chiến đấu cơ Su-30MKI đã được sản xuất tại Ấn Độ.
Tuyên bố của đại sứ Alipov được đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng, Ấn Độ đang chuyển hướng từ bỏ mua vũ khí Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho New Delhi theo truyền thống.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, và chiếm 9,8% tổng lượng mua vũ khí toàn cầu từ năm 2019 - 2023. Cùng kỳ, số vũ khí Ấn Độ nhập khẩu từ Nga chiếm 36%.
“Ấn Độ đang cố gắng phát triển tổ hợp công nghiệp - quân sự quốc gia. Trọng tâm trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự là thực hiện các sáng kiến ‘Sản xuất tại Ấn Độ’, và ‘Ấn Độ tự cung tự cấp’”, ông Alipov nói.
Hồi tháng 2, chính phủ Ấn Độ đã tăng mục tiêu sản xuất quốc phòng và hàng không vũ trụ hàng năm lên 36 tỷ USD, đồng thời nâng mục tiêu xuất khẩu vũ khí lên 6 tỷ USD.
Ấn Độ và Nga đã tiến hành chuyển giao công nghệ, và cùng sản xuất chiến đấu cơ Su-30MKI, xe tăng T-90, và súng trường tấn công AK-203. Tên lửa BrahMos do Nga - Ấn Độ cùng phát triển hiện được coi là vũ khí chính của Hải quân Ấn Độ.
“Không như phương Tây, Nga sẵn sàng chuyển giao các công nghệ tiên tiến hoàn thiện nhất”, đại sứ Nga tại Ấn Độ nhấn mạnh.
Cũng theo ông, sự hợp tác giữa 2 nước tiếp tục phát triển trong các ngành truyền thống gồm năng lượng, năng lượng hạt nhân, kỹ thuật - quân sự, vũ trụ, khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, và cả những lĩnh vực mới như công nghệ tài chính và trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngoài ra, Ấn Độ tiếp tục mua dầu thô và than từ Nga, dù phương Tây liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow. Theo ông Alipov, các biện pháp trừng phạt đơn phương không được Ấn Độ công nhận, và bị coi là bất hợp pháp.
Song ông Alipov thừa nhận, vấn đề nằm ở sự mất cân bằng thương mại giữa 2 nước, và cách giải quyết là Ấn Độ cần tăng cường xuất khẩu. Trong năm 2023, kim ngạch thương mại Nga - Ấn Độ đạt 65 tỷ USD, nhưng xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga chỉ khoảng 4 tỷ USD.