Ấn Độ hiện đang xây dựng quy định quản lý dữ liệu ẩn danh, những thông tin mà các công ty được quyền thu thập. Tuy nhiên, kế hoạch quản lý dữ liệu này sẽ làm khó những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Amazon, Facebook và Google.
Theo cơ chế được đề xuất, đối với dữ liệu ẩn danh, mỗi công ty đều có nghĩa vụ chia sẻ với các công ty khác, kể cả với các đối thủ cạnh tranh. Điều này được người Ấn Độ kỳ vọng sẽ thúc đẩy hệ sinh thái kỹ thuật số.
Theo cơ chế được đề xuất ở Ấn Độ, mỗi công ty đều có nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu với các công ty khác, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh. |
Những trường hợp mà dự thảo quy định các công ty cần chia sẻ dữ liệu bao gồm mục đích dành cho nghiên cứu, an ninh quốc gia, hoặc hoạch định chính sách... Nếu được chính phủ Ấn Độ thông qua, quy định này sẽ tạo cơ sở luật mới trong quản lý dữ liệu.
Dù vậy, Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Ấn Độ (USIBC), một bộ phận của Phòng Thương mại Mỹ đã lên tiếng phản đối. Họ gọi quy định chia sẻ dữ liệu này là “lời nguyền” đối với việc thúc đẩy cạnh tranh. Đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ cũng khẳng định điều này sẽ làm suy giảm các khoản đầu tư để xử lý và thu thập dữ liệu.
“Quy định như vậy cũng tương đương với việc tịch thu tài sản của nhà đầu tư và làm xói mòn các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, đại diện USIBC bình luận. Được biết dự thảo sẽ được lấy ý kiến đến ngày 13/9.
Kế hoạch quản lý dữ liệu ẩn danh của Ấn Độ là trở ngại mới nhất đối với các công ty công nghệ của Mỹ, khi các công ty này cũng đang phải đối mặt với các quy định liên quan đến dữ liệu ở một số quốc gia đang phát triển. Mỹ và Ấn Độ hiện cũng đang có những mâu thuẫn về thuế công nghệ.
Anh Hào (Theo Reuters)
Google đầu tư khoản tiền kỷ lục cho Ấn Độ
“Kế hoạch đầu tư là sự phản ánh niềm tin của chúng tôi vào tương lai của Ấn Độ và nền kinh tế số của đất nước này”, ông Sundar Pichai, CEO công ty mẹ Alphabet của Google chia sẻ.