Án “nóng” chưa xử, bạo hành mới đã xảy ra
Sau hơn nửa năm gây án, sáng ngày 21/7, người cha mất nhân tính Nguyễn Kim Trung Thái và “dì ghẻ” tàn ác Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị đưa ra xét xử.
Hình ảnh bé V.A 8 tuổi ngây thơ, trong trẻo được in ra, kèm theo những dòng chữ muốn đòi công lý, công bằng cho bé được căng bên ngoài cổng tòa khiến nhiều người nhói lòng.
Theo dõi phiên tòa từ bên ngoài, chị Kim Phượng (ngụ huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) bức xúc nói: “Tôi cũng là người mẹ, đọc trên báo biết được chuỗi ngày bé V.A bị chính cha đẻ và người tình của cha hành hạ còn hơn thời trung cổ. Con còn nhỏ quá, đáng ra con phải được sống hạnh phúc, được sự chăm sóc yêu thương của gia đình. Vậy mà phải chịu đòn roi, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần tới khi chết. Cần phải truy tố đối với người cha độc ác này tội giết người với khung hình phạt cao nhất”.
Phiên tòa sau đó tạm hoãn để cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ những tình tiết theo trình tự pháp luật. Ví như, khi nghiên cứu hồ sơ và coi lại các video, các luật sư phát hiện trong một số ngày trước khi bé V.A tử vong, không chỉ mình Trang mà Thái cũng tham gia đánh, hành hạ cháu A., gây ra các thương tích cho cháu.
Nếu kết quả giám định xác định, những vết thương cũ này góp phần cộng hưởng, tạo ra cái chết của bé V.A thì chắc chắn, tội danh của Thái không phải là “Hành hạ người khác” mà phải chuyển sang tội “Giết người”.
Khi vụ án của cháu V.A vẫn chưa thể tiến hành xét xử thì mới đây, ngày 22/7, cơ quan CSĐT Công an huyện An Biên (Kiên Giang) vừa bắt giam Lương Văn Luận (37 tuổi, ngụ ấp Phú Hưởng, xã Đông Thái) để điều tra hành vi “Ngược đãi, hành hạ con ruột”.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông đánh bé trai 6 tuổi đến chảy máu miệng.
Quá trình xác minh, Công an huyện An Biên xác định, nghi phạm Luận là người đàn ông trong đoạn clip nói trên. Đồng thời, người dân cũng tố giác nghi phạm Luận thường xuyên có hành vi đánh đập, hành hạ dã man con trai.
Hay vụ bạo hành cháu bé mới 2 tuổi ở Đà Lạt (Lâm Đồng) gần đây cũng khiến dư luận bức xúc.
Chị Th., mẹ bé L. (2 tuổi) vừa từ Đắk Lắk đến TP Đà Lạt sinh sống, gửi con nhờ bà Cao Thị Đào trông coi, chăm sóc để mình đi làm.
Do trường cháu bé tổng kết năm học nên bà Đào đưa cháu L. về nhà chăm sóc. Sau đó, do sửa nhà nên bà Đào giao cháu L. cho Vương Nhật Thảo Vy chăm sóc với số tiền 2 triệu đồng/tháng. Huỳnh Thị Thanh Hằng cũng trông nom cùng.
Do ban đêm bé L. ngủ thường giật mình, la hét, dùng tay cào lên mặt nên cả 2 "bảo mẫu" nhiều lần đánh vào người cháu bé. Thậm chí, Vy còn dùng chân đạp vào người khiến cháu bé té ngã trong nhà và phòng tắm.
Sự ra tay tàn độc của 2 "bảo mẫu" này đã khiến cháu L. bị chấn thương sọ não, dập phổi.
Trẻ em phải được sống trong môi trường an toàn
Đau lòng trước các vụ bạo hành liên tiếp xảy ra, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho hay, qua vụ việc bạo hành bé V.A, vụ bé L. và những vụ đã xảy ra, có thể thấy mức độ bạo hành trẻ em càng ngày càng nhiều và đáng lên án.
“Chúng ta thấy, trẻ em là người lệ thuộc, khi bị bạo hành các con không thể tự vệ, phản kháng được. Có nguyên Bộ luật giành cho trẻ em thì quyền đầu tiên là quyền sống còn, là các con phải được sống trong môi trường an toàn, chính người trong gia đình phải thương yêu, chăm sóc, lo lắng cho trẻ.
Quyền thứ 2 là quyền bảo vệ, thứ 3 là quyền được phát triển và thứ 4 là quyền được tham gia", bà Nữ dẫn giải.
Theo bà Nữ, trong 4 quyền đó, khi trẻ em sống trong môi trường bị bạo hành sẽ không được hưởng một quyền nào. Khi trẻ không được sống trong môi trường an toàn sẽ không được bảo vệ, không được bảo vệ sẽ không phát triển, không được phát triển chúng sẽ không được tham gia vui chơi, giải trí.
Qua đây, nữ luật sư nhấn mạnh: "Chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người lớn, tuyên truyền sâu rộng vào các khu dân cư, chung cư, các xóm lao động, khu công nghiệp… để mọi người ý thức, không bạo hành trẻ em; cho người ta biết khi bạo hành trẻ em sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Nếu đánh trẻ em mà thương tích dưới 11% cũng bị khởi tố, tức là chỉ cần đánh là bị khởi tố, để người lớn ý thức được rằng không được đụng tới trẻ em, đụng tới trẻ em là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.