Số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng gấp 5 lần từ 108 triệu vào năm 1980 lên 537 triệu vào năm 2021. Ước tính 95% trong số đó mắc tiểu đường loại 2 với tình trạng kháng insulin và lượng đường trong máu cao.
Mọi người thường cho rằng bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy 46% người tham gia đã thuyên giảm bệnh nhờ hạn chế calo. Nghiên cứu năm 2020 ghi nhận, tích cực thay đổi lối sống đã giúp thuyên giảm bệnh ở hơn 60% ca mắc tiểu đường dưới 3 năm.
Các phân tích khác đã phát hiện chế độ nhịn ăn gián đoạn có thể cải thiện tình trạng kháng insulin ở động vật.
Gần đây, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã đánh giá tác động của 3 tháng ăn kiêng gián đoạn đối với bệnh nhân tiểu đường. Họ phát hiện 47% người tham gia không còn mắc bệnh sau khi thử nghiệm. Kết quả được công bố trên tạp chí Nội tiết lâm sàng và Chuyển hóa.
Các tác giả đã đã tuyển chọn 72 người tham gia từ 38 đến 72 tuổi. Họ mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong 1-11 năm và chỉ số khối cơ thể (BMI) là 19,1-30,4.
Chỉ số BMI từ 18,5 tới 25 được coi là khỏe mạnh, từ 25 đến 30 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.
Những người tham gia sau đó được chia thành hai nhóm, một nhóm được chỉ định chế độ ăn kiêng gián đoạn, nhóm còn lại ăn uống không hạn chế. Thời gian áp dụng là 3 tháng, chia làm 6 chu kỳ (mỗi chu kỳ 15 ngày).
Trong mỗi chu kỳ, 36 người được chỉ định ăn kiêng gián đoạn trong 5 ngày, tiêu thụ 840 calo/ngày. Trong 10 ngày tiếp theo, họ ăn tùy thích, tương tự như nhóm đối chứng.
Chế độ ăn kiêng tuân theo Hướng dẫn về bệnh tiểu đường ở Trung Quốc và bao gồm các loại thực phẩm giàu chất xơ có chỉ số đường huyết thấp.
Những người tham gia được kiểm tra sức khỏe trước và sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng. Họ tiếp tục dùng thuốc chống tiểu đường trong quá trình nghiên cứu và duy trì thói quen tập thể dục thông thường.
Sau 3 tháng ăn kiêng, 18 trong số 36 người không còn cần dùng thuốc để kiểm soát bệnh tiểu đường nữa. Trọng lượng cơ thể trung bình của mỗi người giảm gần 6kg.
Sau 12 tháng theo dõi, 16 trong số 36 người trong nhóm nhịn ăn duy trì sự thuyên giảm bệnh tiểu đường. Không ai trong nhóm đối chứng đạt được kết quả này.
Trao đổi với Medical News Today, Tiến sĩ Courtney Peterson, Đại học Alabama (Mỹ) lưu ý việc nhịn ăn gián đoạn có thể đảo ngược bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách giúp mọi người giảm cân.
Tiến sĩ Felicia Steger, chuyên gia về nội tiết, tiểu đường và dược lâm sàng tại Trung tâm Y tế Đại học Kansas, cũng đồng ý rằng giảm cân là yếu tố quan trọng để thuyên giảm bệnh tiểu đường.
Cô bổ sung việc nhịn ăn còn tác động tới việc kiểm soát lượng đường trong máu. Tiến sĩ Steger lưu ý: “Dữ liệu sơ bộ cho thấy việc nhịn ăn gián đoạn cải thiện cách tuyến tụy phản ứng với lượng đường trong máu cao hơn bằng cách giải phóng insulin”.