Ông Bùi Văn Toán, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, cho hay, vụ ngộ độc lá ngón xảy ra tại xã Linh Hồ, Vị Xuyên, Hà Giang.
6h ngày 12/7, một nhóm 5 người, đều là nữ giới, đã hái rau rừng để nấu canh ăn (do tưởng là lá chua). Sau đó, các bệnh nhân thấy buồn nôn, tê chân tay, tê miệng, khó chịu, liền gọi cho người nhà lên đón.
Sáng 12/7, ngay khi nhận được tin báo, đội cấp cứu lưu động và xe cứu thương của bệnh viện đã ngay lập tức đến cơ sở để tiến hành cấp cứu cho người bệnh.
Lá ngón có chứa nhiều độc tố gây chết người |
Khi xe cứu thương tới nơi, 3 bệnh nhân đã tử vong, mạch, huyết áp không còn đo được. Những người này sinh từ năm 1962 đến 1971.
Hai bệnh nhân còn lại nhanh chóng được đưa vào bệnh viện để tiếp tục cấp cứu.
Ông Toán cho biết, 2 trường hợp này sinh năm 1960 và 1976, vào viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đau bụng, choáng váng, chẩn đoán ngộ độc lá ngón giờ thứ 4.
Các bác sĩ đã nhanh chóng đặt Sonde rửa dạ dày, cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch và tiến hành các cấp cứu cần thiết khác. Hiện các bệnh nhân ổn định, tiếp tục được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh để theo dõi thêm.
Chiều nay (13/7), thông tin với VietNamNet, ông Phạm Anh Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, cho biết, các bệnh nhân hiện ổn định, đã được chuyển từ Khoa Hồi sức tích cực sang Khoa Nội để tiếp tục điều trị. Dự kiến khoảng 1-2 ngày tới, hai bệnh nhân sẽ được ra viện.
Lá ngón là loại cây có độc tính cao, mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ tử vong.
Ban đầu, người ngộ độc có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, bí tiểu, da lạnh, vã mồ hôi, cơ tay chân khó vận động, giãn đồng tử, chói mắt, sụp mi, liệt cơ hàm dưới.
Nếu tình trạng nặng hơn, bệnh nhân thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật. Bệnh nhân ngộ độc lá ngón thường tử vong do liệt cơ, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn.
Ông Bùi Văn Toán, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, nhấn mạnh, hiện nay, người dân đa số đã hiểu rõ về độc tính của lá ngón. Tuy nhiên, các ca ngộ độc vẫn xảy ra do loại lá này dễ nhầm lẫn với các cây rau ăn được.
Ông Toán đưa ra khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ về đặc điểm nhận dạng của loại cây này để tránh việc nhầm lẫn dẫn đến ngộ độc lá ngón.
Nguyễn Liên
Cô gái mắc bạch biến từng bị gọi là Thị Nở tìm lại cuộc sống mới
15 năm mắc bệnh bạch biến cũng là từng ấy năm Hoài sống trong nỗi mặc cảm vì những lời trêu chọc, những ánh mắt dò xét. Cô gái trẻ tâm sự, cô như tìm lại cuộc đời mới từ khi bệnh cải thiện.