Internet vạn vật và khu vực chịu tấn công
Mỗi mạng hỗ trợ đồng thời một số thiết bị được kết nối với nhau trong một khu vực nhất định. Ví dụ, mạng 4G có thể kết nối tối đa 2.000 thiết bị trên mỗi km vuông. Trong mạng 5G, số lượng thiết bị có thể được kết nối trong cùng phạm vi lên tới 1 triệu và tiếp tục tăng lên tới 10 triệu thiết bị IoT có thể được kết nối trong cùng diện tích với mạng 6G. Các thiết bị này tạo ra “khu vực chịu tấn công” hoặc các điểm tiềm năng, còn được gọi là các vectơ tấn công, qua đó người dùng trái phép có thể truy cập để trích xuất dữ liệu.
Khi chúng ta tiến gần hơn đến công nghệ 6G, khái niệm “an ninh mạng theo thiết kế” đang được coi là một giải pháp tiềm năng và đầy hứa hẹn để đảm bảo an ninh cho khu vực chịu tấn công đang ngày càng mở rộng. Hỗ trợ cho khái niệm an ninh mạng theo thiết kế là một sự thay đổi tư duy theo hướng chuyển dần từ phát triển các giải pháp phản ứng trước các mối đe dọa an ninh sang các giải pháp chủ động và đảm bảo tích hợp tính năng an ninh mạng ngay từ đầu vào các thiết bị hỗ trợ 6G. Mặc dù khái niệm này còn mới mẻ, nhưng các doanh nghiệp nên coi tư duy an ninh mạng theo thiết kế là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn để ngăn chặn và quản lý các mối đe dọa mạng.
Giả lập đang nhanh chóng trở thành một yếu tố quan trọng quá trình xây dựng kế hoạch an ninh mạng. Khả năng tái hiện lại các sự kiện rủi ro số cho phép đội ngũ an ninh bảo mật xác định và khắc phục các lỗ hổng bảo mật và cấu hình sai, đồng thời thử nghiệm các chiến lược an ninh mạng trong môi trường ảo giống như thực tế.
Từ bỏ các phương pháp bảo mật đã lỗi thời
Các hệ thống an ninh mạng 6G loại bỏ các chiến thuật an ninh bảo mật từng rất phổ biến trước đây. Mật khẩu sẽ biến mất. Môi trường mạng sẽ trở thành môi trường được mã hóa và ứng dụng chứng chỉ. Mạng 6G cũng sẽ ứng dụng các phương pháp bảo mật hiện hành mới. Ví dụ, với phân khúc nhỏ, các hệ thống sẽ có thể cách ly thông tin liên lạc và tạo ra ‘bong bóng' ảo để tăng cường an ninh bảo mật. Những cách tiếp cận an ninh mạng mới này sẽ tạo ra kiến trúc mạng zero-trust chắc chắn, đáp ứng nhu cầu của cơ sở hạ tầng an ninh mạng 6G theo đúng kế hoạch.
Dữ liệu được bảo vệ không chỉ là dữ liệu duyệt web hàng ngày và dữ liệu tài chính, các loại dữ liệu được quan tâm nhiều nhất trong bối cảnh an ninh mạng và quyền riêng tư. Dữ liệu cũng mang lại giá trị tương đương đối với giới tội phạm, những kẻ sẽ sử dụng dữ liệu nhạy cảm làm con tin để đòi tiền chuộc. Báo cáo an ninh bảo mật năm 2021 của Keysight Technologies cho thấy sự gia tăng đáng kể của các cuộc tấn công sử dụng mã độc tống tiền vào năm 2020, trong đó các cơ sở y tế là mục tiêu hấp dẫn nhất cho các cuộc tấn công mạng.
Các nhà nghiên cứu tại Keysight đang nghiên cứu các kỹ thuật kiểm thử an ninh mạng mới ứng dụng công nghệ bản sao song sinh số để cảnh báo về các mối đe dọa tiềm ẩn và thực hiện các biện pháp khắc phục theo thời gian thực. Trong mạng 5G hiện tại, quá trình có thể kéo dài nhiều tuần lễ, nhưng công nghệ 6G có thể cắt giảm thời gian này xuống còn vài giờ, tạo ra hạ tầng an ninh mạng bền vững hơn cho cả người dùng và nhà sản xuất thiết bị.
An ninh mạng 6G sẽ phức tạp hơn với máy học và trí tuệ nhân tạo
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) là các thành phần trọng yếu của 6G - và có ý nghĩa sống còn trong hoạt động huấn luyện các hệ thống và thuật toán an ninh mạng. Các công nghệ này còn giúp bổ sung năng lực để tạo ra các hệ thống an ninh mạng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, khi công nghệ AI ngày càng trở nên phổ biến, số lượng các đối tượng xấu có kỹ năng và động lực để sử dụng công nghệ này cho các mục đích bất chính cũng tăng lên. Xử lý thành công các điểm yếu an ninh bảo mật trong các thuật toán đào tạo AI và ML là yếu tố rất quan trọng để có thể ứng dụng công nghệ 6G vào việc xây dựng một tương lai an toàn có khả năng chống chịu và mở rộng.
Đối với an ninh mạng 6G, mục tiêu dài hạn là hướng tới một mạng tự trị, tự bảo tồn, có khả năng độc lập phản ứng trước các mối đe dọa tiềm tàng mà không gây gián đoạn cho việc sử dụng bình thường. Trong bối cảnh các loại hình mạng lưới có khả năng chống chịu đe dọa chưa thực sự định hình, các nhà nghiên cứu đang điều tra các phương pháp ứng dụng công nghệ học máy vào mục đích xấu để làm cơ sở huấn luyện các mô hình xác định những mối đe dọa tiềm tàng và cách phản ứng thích hợp. Đây là vai trò cốt lõi của công nghệ AI trong kiến trúc an ninh mạng 6G dự kiến.
G. Minh