Bác sĩ Phan Thị Thu Phương - Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) cho biết, ốc nước ngọt như ốc vặn, ốc nhồi… được nhiều người yêu thích. Nhưng ít ai biết rằng ăn không đúng cách sẽ gây ngộ độc, dị ứng hoặc nấu không chín kỹ sẽ bị nhiễm ký sinh trùng ẩn náu trong ốc.
Nữ bệnh nhân 35 tuổi, trú tại Hà Nội vào viện khám vì thường xuyên đau tức hạ sườn. Người mệt mỏi, chán ăn, sốt thất thường, rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân đã đi kiểm tra ở nhiều nơi nhưng không rõ bệnh. Cách đây không lâu, chị được người quen giới thiệu đi kiểm tra ký sinh trùng.
Khi làm xét nghiệm Elisa, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng. Bệnh nhân này không ăn rau sống hay các loại rau thủy sinh. Từ lâu, chị chỉ ăn đồ ăn chín, không ăn các loại dưa, gỏi sống. Khi được bác sĩ chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng, nữ bệnh nhân bất ngờ.
Lược lại thói quen của bệnh nhân này, bác sĩ cho biết có thể thói quen ăn ốc luộc của bệnh nhân là nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo bác sĩ Phương, ốc là loài thủy sinh, sống ở trong bùn. Bình thường, người dân mua hoặc tự đi bắt về cần ngâm nước cho ốc nhả hết bùn, sau đó mới rửa sạch, chế biến. Tuy nhiên, nhiều nơi chế biến ốc không sạch và còn luộc tái vì khách không thích ốc chín kỹ bị dai, khô. Các ký sinh trùng bám trụ bên trong ốc có cơ hội xâm nhập vào cơ thể con người theo đường ăn uống.
Ốc chưa chín kỹ nhất là luộc bằng hơi không tiêu diệt ấu trùng, ký sinh trùng, người ăn có thể vô tình đưa sán vào. Đặc biệt, trong ốc cũng có thể chứa ấu trùng sán lá gan lớn. Vật chủ trung gian là: ốc họ Lymnaea chủ yếu sống ở châu Phi.
Vì vậy, bác sĩ Phương khuyến cáo, bạn cần đi khám chuyên khoa ký sinh trùng nếu có triệu chứng đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị ‐ mũi xương ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ dữ dội, cũng có khi không đau bụng và cảm giác như đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn…
Bác sĩ Phương cho biết, bản thân chị cũng là người thích ăn các món ốc, rau chín tái có nguồn gốc thủy sinh nhưng từ khi bước chân vào chuyên ngành bệnh ký sinh trùng, nữ bác sĩ này đã từ bỏ thói quen ăn uống đó.
“Nhiễm ký sinh trùng rất khủng khiếp, tôi thấy nhiều bệnh nhân đến khám với chi chít nang sán ở trong cơ, gan, não, phổi nên tôi cũng sợ không dám ăn uống linh tinh như trước", bác sĩ Phương chia sẻ.
Lưu ý, khi ăn ốc, người chế biến cần rửa sạch nhiều lần, vớt bỏ hết những ốc chết, thối. Khi mua ốc, thấy miệng ốc đầy, nhiều ốc bò bám xung quanh là ốc tươi. Nếu trên thân ốc có váng vàng, dầu mỡ là ốc ở nơi ô nhiễm, tuyệt đối không ăn. Những người mắc các bệnh về tiêu hóa, bệnh gout, ho hen không nên ăn ốc.
Người có tiền sử bị dị ứng hải sản nói chung, ốc nói riêng thì nên bỏ hoàn toàn tránh đau bụng, nổi mề đay, dị ứng nặng hơn. Người có cơ địa dễ dị ứng cũng không nên ốc, đặc biệt là các loại ốc lạ.