Theo thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1 - Bệnh viện K (Hà Nội), anh từng tiếp nhận hai bệnh nhân đến khám đều có dấu hiệu nghi ngờ ung thư gan. Cả hai bệnh nhân này đều bán hàng thực phẩm. Họ tiếc những loại thực phẩm đã dập, mốc không bán được cho khách nên giữ lại ăn.
Những thực phẩm nấm mốc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe rất lớn. Đặc biệt, nấm mốc ở các loại ngũ cốc như lạc, đỗ, gạo, ngô... chứa độc tố Aflatoxin gây ung thư gan. Độc tố này là loại gây ung thư mạnh nhất hiện nay. Aflatoxin gây ung thư gan bằng cách gây đột biến ở gene p53.
Nhiều tài liệu cho thấy độc tố aflatoxin có thể gây hại với liều lượng rất nhỏ. Độc tố này không thể nhìn bằng mắt thường. Một số thực phẩm bạn không nhìn thấy nấm mốc nhưng vẫn chứa độc tố gây hại cho sức khỏe.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các loại thực phẩm đều dễ bị nấm mốc. Trong đó, có tới 40% nấm mốc tạo ra nhiều độc tố. Những độc tố này đều là tác nhân gây bệnh tật cho con người. Thậm chí, độc tố gây ngộ độc cấp tính, tử vong nhanh như độc tố botulinum. Các độc tố từ nấm có thể tích tụ lâu dài trong cơ thể gây ra nhiều bệnh tật khác như ung thư, suy thận. Đặc biệt, độc tố nấm mốc bền với nhiệt nên nấu chín cũng không loại bỏ được.
Để phát hiện được độc tố, các chuyên gia thực phẩm phải sử dụng bằng các kỹ thuật trên phòng thí nghiệm. Vì vậy, tốt nhất khi bạn thấy nấm mốc không ăn vì khi đó hàm lượng độc tố đã cao, cần loại bỏ thực phẩm. Ngoài ra, không rửa lại thực phẩm nấm mốc để ăn.