Với thời lượng 35 phút - The Mong Show đã đưa người xem tới những không gian đậm đặc bản sắc của người Mông. Không giống như vở thực cảnh thông thường ở Việt Nam hiện tại – là khán giả ngồi thưởng thức những lớp diễn khác nhau thì ở show này, người xem cùng di chuyển theo cách mà Tổng đạo diễn - NSƯT Thanh Hằng sắp đặt.
Khi bước vào không gian của vở diễn, các thiếu nữ người Mông tay nhuộm chàm nắm tay khán giả, trao truyền những thông điệp về vở diễn. Đó là không sử dụng thiết bị âm thanh điện tử, khán giả thật sự yên lặng, không dùng điện thoại hay bật đèn flash để có thể hoà mình trọn vẹn vào không gian, để “lặng lẽ yêu”.
Vở diễn chia thành 8 màn chính. Đầu tiên, người xem sẽ được thấy không gian đồng bào dân tộc Mông với thác nước chảy tuyệt đẹp. Thầy cúng xuất hiện tái hiện Lễ cúng Thứ Tỷ - nghi lễ có từ lâu đời của người Mông Sapa. Người Mông quan niệm mỗi khu đất đều có một vị thần cai quản. Trước khi canh tác, làm nhà, sinh sống trên khu đất mới, người Mông phải cúng Thứ Tỷ, tức là cúng Thần thổ địa. Mục đích của việc cúng là cầu xin Thần Thứ Tỷ bảo quản đất đai không bị sạt lở, cây lúa, cây ngô không bị đổ, không bị thú vật phá hoại, mong mùa màng bội thu, ngô thóc đầy bồ.
Những phụ nữ Mông lên rẫy trồng ngô, dệt vải, đàn ông thì lấy củi, làm thợ rèn. Những ngày nghỉ ngơi, họ ca hát nhảy múa trong bản, uống rượu đến say mèm, ra chợ Tình bắt vợ,…
8 lớp diễn, khán giả di chuyển 8 lần một cách vô cùng háo hức, bởi không biết khi sáng đèn, cảnh tiếp theo mình sẽ được xem là gì. Không gian được bài trí đậm chất dân tộc Mông, mọi đạo cụ diễn đều là thật – từ người dân bản địa mang tới. Ngay cả hơn 50 diễn viên cũng đều là đồng bào dân tộc Mông, diễn viên nhỏ nhất mới 2 tuổi. Khán giả như hoà mình vào cuộc sống sinh hoạt của người Mông chứ không phải đang xem diễn viên diễn.
Không sử dụng thiết bị âm thanh, mọi lời thoại, tiếng ca của diễn viên đều thật. Âm nhạc của vở diễn được nhạc sĩ Mạnh Tiến chắt lọc, tạo nên một bản hòa thanh đa màu sắc giữa đất trời Sa Pa. Nghệ thuật múa đương đại được NSƯT Thanh Hằng khai thác tối đa dựa trên chất liệu văn hóa dân gian của đồng bào Mông.
Vì là vở diễn thực cảnh nên phần ánh sáng rất được chú trọng. Trong không gian của cây cối núi rừng, nhà sàn lớp lớp, ánh sáng được soi chiếu, mờ mờ ảo ảo, đậm chất điện ảnh khiến người xem khó rời mắt.
Phần ấn tượng với người xem ở vở diễn này chính là màn múa bên những tấm vải nhuộm chàm của các thiếu nữ Mông. Tại các bản làng vùng cao Sapa, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp sự nền nã, dịu dàng của sắc chàm đen hiện hữu trên những trang phục thường nhật của các cô gái người Mông. Nghề nhuộm chàm độc đáo này được bà con truyền tay nhau, lưu giữ dấu ấn qua từng thế hệ, để màu chàm thắm mãi như một nét biểu tượng, chứa đựng hồn cốt của văn hóa dân tộc.
Tổng đạo diễn – NSƯT Thanh Hằng cho biết, cô đã phải rất kỹ càng trong việc chọn lựa diễn viên tham gia vào màn múa này. Bởi họ chỉ múa lộ khuôn mặt nên cô phải chọn gương mặt thật sự toát lên vẻ đẹp của người Mông.
Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vô cùng ấn tượng với show diễn. Ông cho biết, xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, The Mong Show ra đời đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá bản địa - điểm đến của du khách. Chính vì thế, sau show diễn này, ông sẽ cho chạy thử nghiệm từ 1-6 tháng khai thác xem show diễn có "sống" được không. Nếu được, Lào Cai sẽ cho vào khai thác thường xuyên, định kỳ hàng ngày.