Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Phi, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), ăn nhiều đường là kẻ thù của lão hóa và bệnh tật. Ăn nhiều đường có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và khiến bạn mắc một số bệnh mạn tính.
Bác sĩ Phi phân tích, collagen và sợi elastin trong da (các protein giữ cho da mịn màng) bị ảnh hưởng rất nhiều từ lượng đường trong máu. Lượng đường tăng sẽ tác động lên làn da bằng cách phá vỡ collagen, khiến bạn lão hóa nhanh hơn, xuất hiện các nếp nhăn.
Ăn nhiều đường cũng gây ra sâu răng, mặc dù đường không phải nguyên nhân chính. Theo bác sĩ Phi, trong miệng, răng, nướu có nhiều loại vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ ăn đường và tiết ra axit phá hủy men răng. Men răng yếu dẫn đến tình trạng dễ bị sâu răng.
Một hậu quả khác của ăn nhiều đường chính là tăng cân. Thực phẩm chứa lượng đường cao có một lượng lớn calo, nhưng không có protein và chất xơ. Do đó, bạn thường ăn nhiều mới no. Trọng lượng dư thừa tích lũy dưới dạng chất béo.
Khi ăn thực phẩm chứa nhiều đường, người ta luôn cảm thấy đói và muốn ăn nữa. Đó là một vòng lặp lại nguy hiểm.
Nếu một người ăn một thanh kẹo và 600ml nước ngọt mỗi ngày, sẽ thừa ra 500 calo và dễ dàng tăng 0,5kg trong 1 tuần.
Ngoài ra, ăn nhiều đường còn khiến cơ thể mệt mỏi, luôn cảm thấy uể oải hoặc đói khát. Đây là phản ứng sinh lý của cơ thể, tăng cường sản sinh insulin để chuyển hóa lượng đường cao trong máu. Cảm thấy đói và mệt khi ăn lượng đường lớn là do thiếu các chất dinh dưỡng khác để duy trì năng lượng.
Bác sĩ Phi cũng cảnh báo, người ăn nhiều đường dễ mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, suy gan.
Tác động dài hạn của việc ăn quá nhiều đường là gây ra béo phì. Béo phì có thể dẫn đến đề kháng insulin, khiến lượng đường trong máu không thể hạ xuống và gây bệnh đái tháo đường.
Trong khi đó, gan nhiễm mỡ do dư thừa đường có thể phát triển trong khoảng thời gian 5 năm. Bệnh cũng có thể xảy ra nhanh hơn dựa trên thói quen ăn uống và gene di truyền của mỗi người. Nếu tình trạng gan nhiễm mỡ tiếp tục tiến triển, cuối cùng người bệnh sẽ bị suy gan.