Quân đội Ukraine thông báo tổng cộng 81 tên lửa bao gồm 6 tên lửa siêu thanh Kinzhal đã được Nga sử dụng trong “đợt tấn công quy mô lớn” nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine vào sáng ngày 9/3.
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết, đây là lần đầu tiên Nga sử dụng cùng lúc nhiều loại tên lửa để tấn công, và rất hiếm khi dùng tới 6 tên lửa Kinzhal. Ông Ihnat thừa nhận, “Ukraine không có năng lực để ngăn chặn những vũ khí này” khi nhắc tới tên lửa Kinzhal.
Nga từng sử dụng Kinzhal, loại tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, trong một vài đợt tấn công vào những tuần đầu tiên thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây hơn một năm.
Trong tuyên bố hôm 9/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết vụ tấn công bằng hàng loạt tên lửa là để trả đũa "các hành động khủng bố" mà Kiev tiến hành ở vùng Bryansk của Nga vào tuần trước.
Theo CNN, việc sử dụng hàng loạt vũ khí và không thể đoán trước như trong đợt tấn công vào sáng ngày 9/3 dường như đánh dấu một sự thay đổi trong chiến lược của Điện Kremlin.
Kinzhal, một biến thể phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Iskander, đã được Tổng thống Vladimir Putin tiết lộ vào năm 2018 như một nền tảng trong kho vũ khí hiện đại hóa của quân đội Nga.
Theo báo cáo, Kinzhal là tên lửa đạn đạo phóng từ trên không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, hoặc đầu đạn thông thường. Phạm vi hoạt động của tên lửa là từ 1.500 - 2.000km. Tốc độ của tên lửa có thể lên tới Mach 10 (12.350 km/h).
Đặc biệt, tên lửa siêu thanh Kinzhal rất khó bị phát hiện khi nó được phóng từ tiêm kích MiG-31. Bởi lúc này, tên lửa có phạm vi bắn xa hơn, và có khả năng tấn công theo nhiều hướng.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, Nga có thể đã phát triển loại tên lửa độc đáo này với mục đích dễ dàng tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu. Tốc độ của Kinzhal kết hợp với quỹ đạo bay thất thường, và khả năng cơ động cao khiến hoạt động đánh chặn càng trở nên phức tạp.
Cũng theo CSIS, việc Nga phóng Kinzhal tấn công các mục tiêu ở Ukraine vào tháng 3/2022 là lần đầu tiên tên lửa này được sử dụng trong chiến đấu, và sau đó nó tiếp tục được sử dụng vào tháng 5/2022.
Vũ khí "thay đổi cuộc chơi"?
Theo ông James Acton, đồng giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), Kinzhal là tên lửa "được phóng từ máy bay và có tầm bắn ngắn hơn Avangard".
Nhưng vào năm 2022, sau lần đầu tiên Kinzhal được Nga sử dụng ở Ukraine, ông Acton đã hạ thấp tầm quan trọng của tên lửa này với tư cách là "người thay đổi cuộc chơi" trong cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine.
Ngay cả Tướng Glen VanHerck, Chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ, cũng phát biểu hồi tháng 5/2022 rằng Nga đang gặp "thách thức về độ tấn công chính xác đối với một số tên lửa siêu thanh" ở Ukraine.
Tuy nhiên, ông Victor Cha, người từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, nói với hãng tin NPR vào năm 2022 rằng vũ khí siêu thanh có thể đặt ra một thách thức thực sự ngay cả đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ.
Lầu Năm Góc cũng đã bày tỏ mối quan ngại đối với các tên lửa siêu thanh. Như vào năm ngoái, bà Dee Dee Martinez thuộc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, cho biết “việc phát triển và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ để chống lại những mối đe dọa tiên tiến như này là những thách thức mới lạ nhưng có thể vượt qua được, song đòi hỏi phải đầu tư phát triển công nghệ hơn nữa”.
Trong khi đó, Điện Kremlin từng tuyên bố Nga sở hữu một loại vũ khí còn tối tân hơn, đó là phương tiện lượn siêu thanh Avangard có tốc độ bay lên tới Mach 27. Một tên lửa siêu thanh khác là tên lửa chống hạm Zircon cũng đang được Nga phát triển. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào về việc Zircon hay Avangard được sử dụng trong chiến đấu.
Giới chức Ukraine cũng đã nhiều lần đề nghị các nước phương Tây bao gồm Mỹ hỗ trợ những hệ thống phòng không mạnh hơn như Patriot để giúp ngăn chặn các cuộc tấn công mà vũ khí phòng không hiện thời của Ukraine không thể làm được.