Nhắn tin cho Kyaw - anh bạn người Myanmar từng học chung khóa học "Hợp tác xã xuyên biên giới" ở Học viện Mekong (Thái Lan), tôi hỏi: "Tên bài luận tốt nghiệp của nhóm mình hồi ấy là gì?"
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Anh chị em mình lớn lên trên cùng một con sông Chín Rồng của tác giả Bung Trần.
- "Anh chị em mình lớn lên trên cùng một con sông Chín Rồng", Kyaw trả lời.
Nhìn một nhánh lục bình trồi lên sau làn sóng nhẹ của chiếc vỏ lãi - cách gọi chiếc ghe nhỏ của miền Tây - vừa lướt qua trên một nhánh nhỏ của sông Hậu trước mặt, tôi tự hỏi không biết có khi nào anh bạn Miến Điện có tên mang nghĩa là "phước lành" này có từng nhìn thấy nhánh lục bình này trong hành trình mải miết của nó không...
Mỗi lần về xứ dừa để họp ban quản lý Quỹ Tương Lai Bến Tre (Bến Tre Future Fund) - một doanh nghiệp xã hội nhỏ xíu mà nhóm anh em quê gốc miền Tây lập ra để góp một chút sức, chút lòng cho quê nghèo của mình, tôi luôn cho phép mình lười biếng ngồi lơ đãng ngắm sông, ngắm mớ cây bần hai bên dòng nước, ngắm nắng chiều để hít hà mớ không khí đậm mùi phù sa như một cách giải độc cho những bận rộn lo toan ở Sài Gòn.
Nhìn nhánh lục bình trôi bập bềnh, tự dưng nhớ triết gia cổ đại Heraclitus đã nói "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông", bật cười với chính cái suy nghĩ của mình về việc có hay không những người bạn của mình ở các nước tiểu vùng sông Mekong từng nhìn thấy nhánh lục bình đã đi dọc dòng sông và chứng kiến bao nhiêu cuộc đời, phận người trên đường đi chứa đầy phù sa của nó.
Nhưng có một điều tôi biết, là chỉ cần qua thêm chục chiếc cầu nữa, là nhánh lục bình này sẽ chảy qua gian nhà của hai cậu học trò nghèo từng đoạt giải thưởng quốc gia trong cuộc thi điện toán đám mây Amazon Web Services: Đoàn Minh Tuấn và Nguyễn Nhật Tường của trường cao đẳng Đồng Khởi. Tôi nhớ hai cậu thanh niên trẻ này có đôi mắt rất sáng đặt trên một gương mặt gầy gò đen đúa vì nắng gió.
Tôi còn nhớ cái cảm giác bối rối của mình sau khi trao học bổng cho các em, bởi ở cái khoảnh khắc đúng ra là mừng vui đó, bất giác khái niệm "đồng bằng sông Cửu Long đang là vùng trũng của công nghệ" được ghi trong báo cáo kinh tế thường niên của vùng do VCCI và đại học Fulbright thực hiện mà tôi có được mời làm đồng tác giả, lại trồi lên. Tự dưng nhớ cái “Điệu buồn phương Nam" như tên một bài hát của Vũ Đức Sao Biển được hoạ sĩ Xuân Vinh vẽ thành bức tranh “Chật vật" trên bìa cái báo cáo kinh tế này.
Bối rối, vì dẫu là người sống theo biểu tượng phát triển bền vững của Liên hiệp quốc là "chim ruồi" - loài chim nhỏ bé gắp từng hạt nước đi cứu khu rừng đang cháy mà không để tâm những nỗ lực này có thực sự dập tắt đám cháy hay không - tôi vẫn thấy những nỗ lực của mình để trả ơn dòng sông Cửu Long đã nuôi dưỡng bao thế hệ gia đình và bản thân, vẫn còn chưa đủ. Bởi vậy, “Chuyện của những dòng sông" trên VietNamNet chính là một dịp đặc biệt để tôi có thể tiếp tục làm thêm chút gì đó cho quê mình.
Tôi nhìn ra sông, tự hỏi sao mình không nhảy ùm xuống nước như thời con nít? Có lẽ vì mình đã nhiều nếp nhăn trên trán hơn, hay vì mình sợ nước đang nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu và không còn là dòng sông quê bao dung ôm trọn mình như ngày xưa nữa?
Kyaw nhắn tin tiếp, đánh thức ký ức về ngày xa xưa học cùng nhau ở Khon Kaen - một tỉnh biên giới Thái Lan và Lào: "Bung nhớ tụi mình vẽ bằng Google Earth một vòng cung mang tên Mặt Tiền Triệu Đô trên sông Mekong không?" Nhớ chứ sao lại không? Cái thời ai cũng mộng mơ làm điều gì đó phi thường thay đổi thế giới, kiểu như tạo ra hệ thống thông tin giữa các làng nghề truyền thống của năm quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam để mọi người biết nhau đang phát triển sản phẩm thủ công gì. Từ đó, tránh việc du khách quốc tế đi một tuyến nhiều nước gặp lại những sản phẩm du lịch tương tự nhau: khăn rằn, mỹ nghệ từ dừa, sáp ong, những sản phẩm đan đát... cứ na ná nhau, người đoạn sông trên bán rồi thì người ở đoạn sông dưới đâu còn mưu sinh được nữa.
Tôi nhớ chợ nổi trên sông Cái Răng ở Cần Thơ, rồi chợ Ngã Năm ở Sóc Trăng nơi giao nhau giữa các nhánh sông nổi tiếng tới mức tên vùng đất này trở thành thị xã Ngã Năm, chợ nổi Ngã Bảy ở Phụng Hiệp, Hậu Giang. Rồi còn bao nhiêu chuyến thương hồ lênh đênh trên dòng nước buôn bán dưới mặt sông tạo thành một nét văn hoá đẹp hơn tranh vẽ nữa? Thử tưởng tượng, một chuyến du thuyền quốc tế đi dọc sông, xuyên qua bao nhiêu quốc gia, trải nghiệm bao nhiêu miền văn hóa, và sống cuộc sống của “người trên sông" như thuở xưa cha ông mình đi mở cõi về phương Nam thì tuyệt diệu biết bao nhiêu. Khi đó, có phải mỗi căn nhà quay ra sông chính là một mặt tiền đối thoại với thế giới hay không?
"Ê, tụi mình có làm được cái Tiger@Mekong để thúc đẩy liên kết mạng lưới đổi mới sáng tạo trong vùng nhen". Ừ nhỉ, lần đó làm kéo dài từ Việt Nam sang tới Lào rồi sang tận Campuchia để trải nghiệm và kết nối cùng nhau, tiếp tục mơ một giấc mơ "Anh chị em mình cùng lớn lên trên một con sông Chín Rồng". Tôi bảo với Kyaw: "Hình như lần tụi mình sang Myanmar để làm cuộc thi MIST - Mekong Innovative Startup on Tourism không gặp nhau nhỉ. Lần đấy rất nhiều sáng kiến hay về du lịch của vùng đất có mist - từ tiếng Anh nghĩa là sương mù quấn quanh như khói trên sông như cách chơi chữ của ban tổ chức".
Nhắn xong, tôi lại thoáng ngẩn ngơ, vì nghĩ lại lần nào tham gia ban tổ chức diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất đồng bằng Sông Cửu Long mang tên Mekong Connect, tôi đều thấy bối rối về chất lượng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch quê mình khi mời khách quốc tế sang. "Người quê chỉ có tấm lòng" mà, nhưng dù tấm lòng của người miền Tây có mênh mông như lòng sông Cửu Long thì thiếu đi sự chuyên nghiệp thì khó mà hội nhập vào hệ thống du lịch toàn cầu với đủ mọi quy chuẩn khắt khe được.
Tôi khoe với Kyaw: "Tụi mình còn làm được một chương trình nữa tên là Match - Mekong Agriculture Tech Challenge mang 40 công ty công nghệ nông nghiệp của thế giới tới để giải quyết các vấn đề nông nghiệp của vùng Mekong nữa, mà đúng là còn nhiều rào cản nên tính thực tiễn và mức độ triển khai chưa như mong muốn..." - "Vậy Bung có chán không?".
Một chiếc vỏ lãi chạy ngang, vẽ những vệt nước dài hình chữ V phía sau. Tôi bảo Kyaw: "Tên bạn nghĩa là điềm lành mà, Bung vừa thấy tín hiệu vũ trụ gửi chữ Victory - Thành công đấy thôi, làm sao mà chán được...".
Sáng nay, tôi đi xuôi chiều dòng sông về Sóc Trăng. Ở đó, có hơn 200 thầy cô giáo đang chờ mình để chia sẻ về chuyển đổi số trong giáo dục vào một sáng cuối tuần. Ơ, cuối tuần mà mọi người đi thiệt là đông. Ừ, thì mình cứ như con chim ruồi, lặng lẽ gắp từng giọt nước nhỏ cho đời, và giấc mơ về dòng sông Cửu Long kết nối toàn vùng hạ lưu sông Mekong trở thành một biểu tượng của du lịch thế giới, nơi mọi khách du lịch trên trái đất này có thể khám phá sự huyền diệu của dòng sông lạ lùng mà bao dung này, không phải với sự huyền bí, mà với mặt tiền sông đầy ắp niềm vui, sản vật và tình người.
Bung Trần
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.