“Tôi kêu gọi những người đồng cấp đến từ các quốc gia G7, gồm các nước Mỹ, Canada, Anh, Đức, Italia, Pháp và Nhật Bản, đưa ra cam kết gia hạn những đòn trừng phạt chừng nào binh sĩ Nga vẫn còn ở Ukraine. Tôi muốn các quốc gia nhất trí rằng, các lệnh trừng phạt sẽ duy trì đến khi có một cuộc rút quân hoàn toàn và hòa bình được lập lại, cũng như hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp Ukraine tái thiết lại đất nước”, hãng tin Sky News dẫn lời bà Truss nói.
“Để giúp đỡ Ukraine, chúng ta cần hành động xa hơn và nhanh hơn nữa. Nền an ninh lâu dài tốt nhất dành cho Ukraine sẽ đến từ việc nước này có thể tự bảo vệ bản thân. Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp cho Ukraine ‘một lộ trình rõ ràng’ để tiếp cận những trang thiết bị quân sự theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, Ngoại trưởng Anh nói thêm.
Dự kiến, bà Truss sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng các quốc gia NATO vào ngày mai (14/5) tại thủ đô Berlin, Đức. Tại đó, Ngoại trưởng Anh sẽ kêu gọi các nước đồng minh cần “phát triển, củng cố và hiện đại hóa khối NATO, để sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa toàn cầu”.
Theo Sky News, những phát biểu trên của Ngoại trưởng Anh Truss được đưa ra trong bối cảnh giới chức lãnh đạo Phần Lan trước đó cùng ngày tuyên bố rằng, nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO.
“Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức. Chúng tôi hy vọng rằng, những bước đi cần thiết để đưa ra quyết định này sẽ được thực hiện nhanh chóng trong vòng vài ngày tới. Việc làm thành viên NATO sẽ tăng cường an ninh cho Phần Lan, và tư cách thành viên của Phần Lan sẽ củng cố toàn bộ liên minh quốc phòng này”, hãng tin CNBC dẫn thông cáo chung được Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin đưa ra hôm 12/5.
Gói viện trợ Mỹ dành cho Ukraine bị chặn
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm nay (13/5) cho biết ông vừa có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Oleksiy Reznikov.“Chúng tôi đã bàn bạc về tình hình ở miền đông Ukraine, và chúng tôi nói về những nỗ lực hỗ trợ an ninh từ Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo Ukraine có những khả năng cần thiết trong việc chống lại các cuộc tấn công từ Nga”, tờ The Guardian dẫn bài đăng trên Twitter của ông Austin.
Theo The Guardian, cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và người đồng cấp Ukraine Reznikov diễn ra trong bối cảnh việc thông qua dự luật cho gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD mà Washington dành cho Kiev đã bị chặn bởi Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul ở Thượng viện Mỹ.
“Chúng ta không thể cứu giúp Ukraine bằng việc hủy hoại nền kinh tế Mỹ. Cần phải có một cơ quan liên bang giám sát quá trình viện trợ cho Ukraine. Tôi không cho phép thông qua gói viện trợ này một cách nhanh chóng, mà không có một điều gì đó chịu trách nhiệm về mặt tài chính trong gói viện trợ. Chúng ta sẽ phải vay số tiền đó từ Trung Quốc để gửi tới Ukraine. Với khoản nợ 30.000 tỷ USD, Mỹ không đủ khả năng trở thành ‘cảnh sát’ của cả thế giới”, hãnh tin Yahoo News dẫn lời Thượng nghị sĩ Paul nói.
“Đây là dự luật chi tiêu thứ hai dành cho Ukraine trong vòng hai tháng, và nó lớn gấp ba lần gói viện trợ đầu tiên”, ông Paul nói thêm.
Nga nói Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành ‘mục tiêu’ nếu gia nhập NATO
“Việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO, cũng như việc triển khai các đơn vị thuộc khối quân sự này trên lãnh thổ của họ, sẽ biến hai quốc gia Bắc Âu trở thành mục tiêu ‘tiềm năng’ của Nga”, Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky nói với hãng tin Al Jazeera đêm 12/5.
“Hai nước này biết ở thời điểm họ trở thành thành viên của NATO, Nga sẽ có một số động thái đáp trả tương xứng. Họ đã sống với tư cách là hàng xóm tốt của chúng tôi trong hàng chục năm, và nếu họ đột ngột đưa ra lựa chọn để trở thành một phần của khối quân sự ‘không mấy thân thiện’, thì điều đó tùy thuộc vào họ”, ông Polyansky nói thêm.
Tuấn Trần