Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 19/5, ông Shapps giải thích phương Tây không bắn hạ tên lửa Nga đang bay tới Ukraine là do “chúng tôi không muốn xung đột trực tiếp với Nga. Chúng tôi không có ý định tham chiến”.

Cũng theo ông, lý do khiến Đức suốt nhiều tháng qua vẫn từ chối yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus là do lo ngại Kiev sẽ sử dụng chúng để tấn công Crưm, bán đảo thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi năm 2014.

nga phuong tay.jpg
Hệ thống pháo phản lực tự hành hạng nặng của Nga BM30 Smerch. Ảnh: defense-update.com

Trong tuần trước, Bộ trưởng Shapps tuyên bố Anh không có ý kiến gì về việc Kiev sử dụng vũ khí của Anh để tấn công Crưm. Đầu tháng 5, Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng đã bật đèn xanh cho Ukraine triển khai vũ khí do Anh sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Bộ Ngoại giao Nga đã có phản ứng khi triệu tập đại sứ Anh, và cảnh báo Moscow có quyền trả đũa “bất kỳ cơ sở và thiết bị quân sự nào của Anh ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Ukraine”. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc các vụ tập kích của Ukraine còn cho thấy Mỹ và Anh có liên quan.

“Họ không chỉ cung cấp tên lửa tầm xa và vũ khí hạng nặng, mà còn bật đèn xanh cho việc sử dụng chúng để chống lại Nga”, bà Zakharova nói.

"Chúng tôi một lần nữa muốn cảnh báo Washington, London, Brussels, các quốc gia phương Tây khác, và Ukraine rằng họ đang đùa với lửa. Nga sẽ không để yên cho những hành vi xâm phạm lãnh thổ mà không bị đáp trả”, bà Zakharova nói thêm.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 17/5 xác nhận trong vài ngày qua, nhiều loại tên lửa và bom dẫn đường do phương Tây cung cấp cho Ukraine đã bị phòng không Nga đánh chặn.