Bị cận thị nhưng không muốn đeo kính
Cậu bé N.N.P (sinh năm 2014, Hà Nội) trong lần khám sàng lọc tại trường đã được bác sĩ khuyến cáo đi khám chuyên sâu về mắt vì nghi ngờ có tật khúc xạ. Gia đình có đưa bé đi khám và được bác sĩ tư vấn cho đeo kính. Tuy nhiên, sau một năm, gặp lại bác sĩ vẫn thấy con chưa được đeo kính vì bố mẹ không muốn bé bị phụ thuộc vào kính, lúc này thị lực của con chỉ còn 2-4/10. Trường hợp như cháu P. không phải hiếm gặp.
Một trường hợp khác là bé Q. Một mắt cận loạn với thị lực 4/10 và mắt kia viễn loạn, thị lực còn được 7/10. Nếu không có những lần khám sàng lọc hoặc kiểm tra mắt chủ động thì Q. không được phát hiện ra các vấn đề về mắt. Ngay cả cha mẹ cũng không biết đây là một vấn đề bẩm sinh, con không hề có “lỗi”.
Nhiều phụ huynh không biết và cho rằng mọi vấn đề về mắt là do con sử dụng điện thoại nhiều, xem tivi quá nhiều... Tuy nhiên, thực tế đó chỉ là những yếu tố làm cho cận thị gia tăng và nặng thêm lên, khiến cho việc kiểm soát khó khăn hơn.
Cận thị nặng có thể gây biến chứng cho mắt
Theo các chuyên gia nhãn khoa, tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị, loạn thị, trong đó tới trên 90% là cận thị. Ước tính đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 5 tỷ người mắc cận thị và 1/5 trong số đó (khoảng 1 tỷ người) có nguy cơ mất thị lực do cận thị nặng và những biến chứng của nó gây ra.
Cận thị không chỉ làm giảm thị lực mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển thế chất, tinh thần cũng như sự hoàn thiện thị giác hai mắt, khả năng nhận biết không gian, phối hợp tay - mắt và các động tác tinh tế, nhanh nhạy, năng động gây ra nhiều hạn chế trong sinh hoạt, học tập, tham gia giao thông, giao tiếp xã hội và khám phá thế giới xung quanh của trẻ.
Độ cận được phân loại như sau: cận thị nhẹ (dưới 3,00D); cận thị trung bình (từ 3,00D - 5,00D); cận thị nặng (trên 5,00D - 9,00D); cận rất nặng là trên 9,00D;
Đánh giá mức độ tiến triển của cận thị dựa vào độ cận tăng theo năm: Tăng nhẹ: dưới 0,50D/năm; Trung bình: từ 0,50D - 1,00D/năm; Nhanh: từ 1, 25D - 2,00D/năm; Rất nhanh: trên 2,00D/năm.
Cận thị nặng, tăng độ nhanh (cận thị tiến triển) có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm dẫn đến khiếm thị và mù lòa do thoái hóa võng mạc - hoàng điểm, bong võng mạc, đục thuỷ tinh thể, glocom…
Chăm sóc mắt bằng… ánh sáng tự nhiên
Theo chuyên gia nhãn khoa, quản lý hiệu quả sự tiến triển, hạn chế sự khởi phát của cận thị đòi hỏi sự chung tay của cha mẹ học sinh và của cộng đồng. Tăng cường hoạt động ngoài trời, sử dụng ánh sáng tự nhiên là liều thuốc quý giúp quản lý cận thị hiệu quả.
Khi chưa bị cận thị, ánh sáng tự nhiên giúp hạn chế khởi phát cận thị. Khi bị cận thị rồi, ánh sáng trời có tác dụng giúp hạn chế sự tiến triển và tăng độ cận. Ánh sáng tự nhiên được xem là “nguồn sống” tích cực của đôi mắt, giúp cho cặp mắt luôn sáng khỏe do tác dụng kích thích võng mạc tiết ra Dopamin, giúp võng mạc ghi nhận hình ảnh của vật rõ nét, trung thực nhất.
Theo tiến sĩ nhãn khoa Donald Mutti của Đại học Nhãn khoa bang Ohio, trẻ có gen di truyền cận thị nếu được hoạt động ngoài trời hơn 14 giờ/tuần thì có thể giảm được 1/3 nguy cơ phải đeo kính.
Tuy nhiên, thời điểm để trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nên từ trước 9h sáng và sau 17h chiều với ánh sáng dịu, cường độ nhẹ. Còn thời điểm từ 10h-16h, ánh sáng có cường độ cao rất dễ gây tổn hại cho mắt, đặc biệt là khi nhìn trực tiếp. Do đó, muốn có đôi mắt khỏe mạnh nhờ ánh sáng mặt trời cần chọn đúng thời điểm với khoảng thời gian phù hợp.
Ngoài ra, cho con đi khám sàng lọc hoặc chủ động khám mắt định kỳ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia khúc xạ là việc làm cần thiết giúp các bậc phụ huynh giữ gìn sức khỏe cho đôi mắt của trẻ.
Tiếp tục các hoạt động của Đề án Tầm soát - Quản lý tật khúc xạ và chăm sóc mắt học đường, hệ thống Bệnh viện Mắt Hitec triển khai chương trình khám khúc xạ miễn phí cho học sinh, bao gồm các bước: Đo khúc xạ tự động; Đo nhãn áp; Thử thị lực; Kiểm tra kính cũ (nếu có); Chụp bản đồ giác mạc hoặc siêu âm đo trục nhãn cầu; Bác sĩ khám trên máy sinh hiển vi để chẩn đoán và tư vấn kê đơn kính. Chương trình áp dụng cho tất cả học sinh đã được khám sàng lọc tại trường. Phụ huynh/học sinh đặt lịch hẹn Khám khúc xạ miễn phí tại các cơ sở của Hệ thống Bệnh viện Mắt Hitec theo hướng dẫn sau: Hotline: 0332 512 068 Website: https://benhvienmat.vn Cơ sở 1: Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội Cơ sở 2: Bệnh viện chuyên khoa mắt HITEC: 55 Hàm Long, Hàng Bài, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội Cơ sở 3: Phòng khám mắt kỹ thuật cao: 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội Cơ sở 4: Trung tâm mắt kỹ thuật cao Sài Gòn: 28 Đống Đa, Phường 2, Q. Tân Bình, TP.HCM |
Minh Ngọc