Nam rapper chia sẻ nhiều năm qua, anh không còn dành thời gian cho âm nhạc. Thay vào đó, Đinh Tiến Đạt tập trung chăm sóc con và chuyển hướng kinh doanh.
Rụt rè vì nghĩ mình lỗi thời
- Từng truyền cảm hứng cho bao thế hệ rapper, ngày trở lại, anh rụt rè và thành thật chia sẻ cảm xúc đó với các đàn em ngay trên sóng truyền hình. Sao anh phải nhấn nhá nhiều đến vậy?
Trở lại sau một thời gian dài, tôi nhận thấy sự cách biệt quá lớn. Nếu là trước đây, có lẽ tôi rất ngại nhờ vả, chưa kể rap phải là sự tự thể hiện bản thân. Nhưng giờ tôi thấy bình thường, thiếu cái gì thì nhờ anh em hỗ trợ. Hồi xưa tôi hay làm một mình, giờ bên cạnh có đồng đội mà.
Dĩ nhiên tôi tự viết phần rap của mình nhưng có nhờ các bạn chỉnh sửa mấy chỗ cho hợp ngôn ngữ bây giờ. Ví dụ tôi viết "Lái xe đưa con đi sở thú" thì các bạn chỉnh thành "Driff trên con xe đưa con đi sở thú". Dù có ông bố nào dám phóng xe khi con ngồi sau đâu? (cười)
Sau hôm quay Công diễn 1, tôi tìm thấy lại cảm giác hạnh phúc mà từ lâu mình đã quên. Cái hạnh phúc không có chút tiếc nuối nào. Điểm số không quan trọng đâu vì tôi đã "cháy" hết mình với 3 người anh em.
Tôi đã hát giống hệt ngày trước: cứ lên sân khấu là chơi cho đã, xuống sân khấu tôi ngồi thở hay nằm dài ra đất cũng được.
- Buông lơi âm nhạc khoảng 5 năm rồi nghỉ hẳn khoảng 10 năm, sau đó, anh trở lại và nói yêu âm nhạc. Anh yêu "người ta" kiểu gì vậy?
Tôi là kiểu người học nhanh, bỏ cũng nhanh, khi tập trung vào cái mới sẽ quên hoàn toàn cái cũ.
Tôi xuất thân là vũ công, biên đạo nhảy của vũ đoàn Hoàng Thông. Đến một ngày, nhảy không còn mang lại cảm hứng, mỗi ngày đi làm như đi trả bài, trả nợ. Thay vì cố gắng duy trì, tôi bỏ hẳn nó để chuyển qua rap.
Khoảng năm 2009, tôi mất tập trung vào âm nhạc, chỉ thỉnh thoảng đi chương trình, sự kiện. Âm nhạc cũng dần thay đổi, tôi bắt đầu không nghe được nhạc mới.
Tiết mục của Tiến Đạt cùng đồng đội tại "Anh trai vượt ngàn chông gai"
Tai tôi nhạy âm thanh tần số cao hơn người thường trong khi sau này toàn nhạc điện tử, tần số cao. Tôi cứ nghe một lúc là căng thẳng nên có giai đoạn, âm nhạc gần như không còn hiện hữu trong cuộc sống.
Nhưng khác với nhảy, cảm xúc dành cho âm nhạc trong tôi chưa từng mất đi. Chỉ là tôi không biết sẽ đón nhận lại nó vào lúc nào.
Ban đầu, tôi không định tham gia Anh trai vượt ngàn chông gai vì format bản gốc của Trung Quốc. Tuy nhiên khi xem, tôi dần bị thuyết phục, nhất là chứng kiến các nghệ sĩ Hong Kong - mình từng thần tượng lúc nhỏ - thể hiện bản thân. Cuối cùng, tôi nghe tư vấn của vợ và có mặt ở đây.
Tôi lo nhiều thứ lắm. Khán giả của tôi giờ con cái hết rồi, chắc không có thời gian xem và cổ vũ mình. Giữa một dàn anh tài đầy mảng miếng, tôi vô đây không khéo người ta không biết mình có thi.
Vì vậy, tôi chuẩn bị đủ thứ: học hát, học nhảy, lên kế hoạch "phá đám" các anh tài khác...
Mua đất trồng cây, không hiểu sao cứ tăng giá
- "Lobby" ban tổ chức thì sao? Biết đâu là một ý hay, anh giàu mà!
Trời ơi, tiền đâu mà làm?
- Người quen của tôi nói anh có đất vườn tự trồng trái cây cung ứng cho cơ sở kinh doanh của mình đấy.
Nếu so về kinh doanh, tôi không giỏi, cái tầm tôi chỉ đến đó, nếu đổi lại người khác đã hơn nhiều. Ngay cả chuyện trồng trái cây bạn nói cũng cho thấy tôi chỉ có thể vận hành được một khâu như vậy, còn vận hành ở mức cao hơn lại không phải thế mạnh.
Tôi có khoảng 8ha (80.000m2) đất ở Trị An (Đồng Nai) trồng đủ loại bưởi, cam, quýt... Tôi trồng như nông dân, đến mùa có thương lái ghé lấy.
Nhưng trồng trọt không dễ ăn. Bạn trúng 1 mùa, hàng xóm sẽ làm theo y hệt, cứ vậy kéo giá xuống.
- Hay anh mua để trữ thôi, đừng trồng gì cả?
Tôi đi đâu thấy đẹp thì mê thôi chứ không có duyên mua trữ. Nhưng tôi cũng đang suy nghĩ, sợ đến lúc mình làm đã muộn rồi.
- Mua đất dưỡng già cũng là 1 ý hay! Người ta có "trend" dưỡng già ở Đà Lạt, Nha Trang...
Tôi có đất trồng cà phê ở Đà Lạt. Tôi thường mua đất để trồng trọt, không hiểu sao sang năm giá cứ tăng gấp 3-4 lần, hết trồng trọt được luôn. Một khu mà ai cũng rao bán đất thì mình không trồng gì được, phải lên kế hoạch khác, phiền não như vậy đấy.
Vợ kém 10 tuổi siêu thật, mình chẳng được tích sự gì
- Anh thi cử, ai thay quán xuyến cơ sở kinh doanh?
Luôn luôn là vợ. Tôi giỏi kỹ thuật, chuyên môn còn vợ quản lý tài chính, nhân sự. Tôi nhớ các con số rất dở, chuyển tiền rồi lại tưởng chưa và ngược lại.
- Quản lý kinh doanh đến mang thai, sinh con cho anh, chăm sóc, nuôi dạy 2 đứa bé, bà xã Thụy Vy cáng đáng hơi nhiều?
Tôi luôn thấy phụ nữ Việt Nam siêu thật sự và đôi lúc thấy mình chẳng được tích sự gì ngoài nghệ thuật, chẳng có gì đáng để tự hào.
Hai vợ chồng biết điểm mạnh, yếu của nhau nên chia việc từ đầu. Những cái tôi yếu vẫn chủ động học thêm để vợ nói gì mình hiểu ngay. Có thời gian rảnh, tôi lại cho con tắm, đút cho con ăn, ru con ngủ...
Việc nhà có người giúp việc lo rồi, có chăng tôi chỉ tự gấp chăn màn khi ngủ dậy.
Ngày thường, tôi dậy khoảng 6h hơn, đưa các con đi học, cùng vợ ra kiểm tra hoạt động kinh doanh. Chiều, hai vợ chồng đón bọn trẻ về, đưa chúng đi chơi công viên, đến khi tụi nhỏ chịu lên giường ngủ coi như gần hết một ngày.
Từ lúc có con, hai vợ chồng ít có thời gian dành cho nhau. Chúng tôi hay tranh thủ trò chuyện khi tụi nhỏ ngủ, thậm chí 1-2 lần trốn con đi xem phim, chỉ vậy thôi.
- Anh yêu điều gì nhất ở Thụy Vy?
Vy luôn có mặt khi tôi cần cô ấy nhất. Hồi chưa cưới, tôi là kiểu đàn ông lầm lì, quen tự làm mọi thứ, lúc đổ bệnh thường trốn vào một góc nào đó đợi hết rồi chui ra.
Không biết bằng cách nào, Vy luôn tìm thấy, có mặt đúng lúc tôi yếu đuối nhất. Tôi thấy lạ, tự hỏi cô gái này là ai, từ đâu ra mà như mang nợ mình vậy? Xưa đến giờ tôi không được ai lo nhiều ngoài gia đình.
Lúc đầu, tôi không quen cảm giác đó, hiện tại quen rồi dù có muốn trốn cũng không được vì hai đứa sống chung mà. Sống với vợ, tôi cũng học được cách không giấu giếm cảm xúc, cảm thấy thế nào thì nói ra.
Hiện tại, tôi chỉ mong con cái nên người và hạnh phúc, giàu nghèo không quan trọng.