Thụy Sĩ đã công bố kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình cấp cao cho Ukraine vào tháng 6 tới đây, tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock gần hồ Lucerne, nhằm tìm cách “tạo ra sự hiểu biết chung về một khuôn khổ thuận lợi để chấm dứt xung đột và thiết lập một lộ trình cụ thể cho hòa bình”.
Các hãng thông tấn đưa tin, 100 quốc gia có thể tham dự sự kiện nói trên. Tuy nhiên, Nga đã phát tín hiệu sẽ không tham dự, ngay cả khi được mời chính thức. Moscow lập luận rằng, hội nghị sẽ thúc đẩy kế hoạch 10 điểm do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất, trong đó có yêu cầu rút hết quân Nga khỏi lãnh thổ nước này và thành lập một tòa án để truy tố Nga vì các cáo buộc phạm tội trong xung đột. Chính phủ Nga đã bác bỏ sáng kiến với lí do nó “xa rời thực tế”.
Phát biểu trước báo giới ngày 10/4, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis tiết lộ, hội nghị thượng đỉnh hòa bình do nước này đăng cai theo yêu cầu của ông Zelensky.
“Quốc gia đầu tiên chúng tôi trao đổi sau Ukraine tất nhiên là Nga. Bởi vì không có tiến trình hòa bình nào có thể diễn ra nếu không có Nga, ngay cả khi nước này không hiện diện trong cuộc gặp đầu tiên”, ông Cassis nói.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Thụy Sĩ thừa nhận, Moscow cần tham gia “sớm hay muộn, nhưng không nhất thiết phải ngay từ ngày đầu tiên”. Ông gợi ý hội nghị đầu tiên có thể tập trung vào “cách mời Nga và vai trò sẽ trao cho nước này”.
Theo đài RT, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd đã lặp lại quan điểm trên, đồng thời cảnh báo không có sự đảm bảo về thành công của hội nghị thượng đỉnh tại Burgenstock. “Chúng tôi có thể sẽ không ký kế hoạch hòa bình tại hội nghị này. Chúng tôi nghĩ sẽ có hội nghị thứ hai, nhưng chúng tôi muốn bắt đầu tiến trình hòa bình bằng hội nghị này”, ông Amherd giải thích.
Trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày với tuần báo Die Zeit của Đức, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể kết thúc thông qua đối thoại với Nga, nên việc mời Moscow ngồi vào bàn đàm phán là điều tất yếu.
Ông Nehammer đồng thời bày tỏ lo ngại về nguy cơ xung đột sẽ lan rộng hơn và mất kiểm soát. "Lúc đầu, chỉ có các cuộc bàn luận về việc cung cấp đạn dược và vũ khí phục vụ mục đích phòng vệ. Sau đó, nhiều điều cấm kỵ đột nhiên không còn là điều cấm kỵ nữa. Vì vậy, xe tăng và hiện thậm chí cả máy bay chiến đấu đã được gửi tới Ukraine", Thủ tướng Áo lưu ý.
Ông Nehammer nhấn mạnh, việc tìm cách khôi phục liên lạc với nhau là điều cần thiết sau xung đột. Ông cũng khuyến nghị người dân Ukraine nên ủng hộ nền hòa bình như vậy.