Mùa giải Hoa hậu
Ngày 25/3/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Một trong những điểm mới là việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp do UBND tỉnh, thành phố chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Việc cấp phép cho các thí sinh người đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được xóa bỏ. Thay vào đó chỉ cần đáp ứng các yêu cầu: Có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, không vi phạm pháp luật, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, Nghị định cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.
Sau khi nghị định Nghị định 144 được cho là “cởi trói” cho các cuộc thi nhan sắc được áp dụng thì quả thật các cuộc thi nhan sắc vì đã bung nở như nấm mọc sau mưa.
Tính từ đầu năm tới nay có tới gần 20 cuộc thi Hoa hậu đã tổ chức và công bố tổ chức: Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Miss Fitness Vietnam...
Đó còn chưa kể các cuộc thi hoa khôi, người đẹp… Với đà này, từ giờ tới cuối năm, Việt Nam hẳn có tới gần 100 Hoa hậu, Á hậu, Hoa khôi, Á khôi… Ra ngõ gặp Hoa hậu, lên mạng xã hội gặp Hoa hậu là có thật.
Đỉnh cao nhan sắc, được và mất
Khi được vinh danh ở ngôi vị cao nhất của cuộc thi sắc đẹp, nhiều hoa hậu thừa nhận cuộc sống của họ sau một đêm đã hoàn toàn khác. Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh tiết lộ cô từng là một người nhút nhát và ít tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhưng khi đến với Hoa hậu Việt Nam 2016, nàng hoa hậu đã được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều và học hỏi từ mọi người rất nhiều nên cô cảm thấy tự tin hơn và muốn cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.
Trong một livestream trên mạng xã hội, ông Nawat Itsaragrisil - Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Thế giới - Miss Grand International 2021 khiến người hâm mộ sửng sốt khi tiết lộ Thùy Tiên đã kiếm được gần 100 triệu baht (khoảng gần 70 tỷ đồng) chỉ sau 3 tháng đăng quang. Dù ngay sau đó, bà Phạm Kim Dung, Chủ tịch Miss Grand Vietnam đính chính rằng: "Con số không chuẩn xác nhưng đúng là Thùy Tiên nhận được nhiều hợp đồng sau khi đăng quang Hoa hậu Hòa bình Thế giới. Trong đó, cũng có những hợp đồng là trả quyền lợi của nhà tài trợ".
Hoa hậu Đông Nam Á Phan Hoàng Thu chia sẻ với VietNamNet, đã từng có thời điểm khi đi ra ngoài đường cô rất ngại khi người khác giới thiệu mình là hoa hậu. Thậm chí có những lúc, người đời buông xúc phạm cô, đánh đồng cô với nhiều hoa hậu ở những giải đầy bê bối.
“Mới đây, tôi có nghe một cô ca sĩ có nói: Ở Việt Nam, muốn trở thành sao hạng A thì cách nhanh nhất chính là đi thi Hoa hậu. Phải nói thật, tôi vừa buồn, lại vừa buồn cười khi nghe câu nói ấy. Không thể phủ nhận những lợi ích mà danh hiệu này mang lại cho các cô gái trẻ bên cạnh trách nhiệm và sức nặng của chiếc vương miện mà không nói đâu xa, chính bản thân tôi cũng đã và đang được hưởng những lợi ích từ danh hiệu đó. Với chiếc vương miện, chúng tôi được chú ý hơn, được nhiều người công nhận hơn, được ưu tiên hơn trong công việc. Và vì thế, con đường danh vọng và tiền bạc cũng rộng mở hơn. Nhưng đó chỉ là những lợi ích trước mắt thôi.
Nhưng cô gái trẻ bây giờ họ còn chưa nhìn thấy và lường trước được bên cạnh những thứ lấp lánh đẹp đẽ vô hình mà chiếc vương miện kia mang lại, thì nó còn là cả những áp lực, những cám dỗ mà không phải bất cứ cô gái trẻ nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua. Hàng năm có rất nhiều cô hoa hậu mới ra đời nhưng sau một thời gian, mấy ai còn giữ được danh tiếng và hình tượng? Thậm chí, có những cô còn trượt dài sa ngã, rồi hỏng cả một đời, những trường hợp ấy liệu có ai hay” - Hoa hậu Phan Hoàng Thu chia sẻ thêm.
Hoa hậu và nhan sắc đã đem lại cho Phan Hoàng Thu nhiều thứ nhưng nàng hậu thừa nhận nó cũng là điểm yếu khi cô ra ngoài làm việc và gặp đối tác, đặc biệt là đối tác khác giới. “Có nhiều khi, người ta giả vờ làm việc với tôi chỉ vì cố tạo cơ hội làm quen, tán tỉnh rồi phần khác là vì hiếu kỳ”, Phan Hoàng Thu nói. Điều này khiến cô mất thời gian, mệt mỏi và áp lực. Người bản lĩnh như Phan Hoàng Thu có thể vượt qua nhưng cô bảo không chắc nàng hậu A, B nào đó có thể vượt qua được cạm bẫy, và việc “bán thân” là rất dễ xảy ra.
Chia sẻ của Phan Hoàng Thu hoàn toàn có cơ sở bởi những năm trước, loạt Hoa hậu, Á hậu dính bê bối bán dâm trong đường dây hàng nghìn đô bị triệt phá và mức án sau vụ việc gây chấn động.
Hoa hậu nhiều để làm gì? Việt Nam cần bao nhiêu hoa hậu để có thể quảng bá được nét đẹp và con người Việt ra thế giới?... Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Nhiều cuộc thi quá nên các người đẹp có cơ hội nhảy show, chưa hoàn hồn ở cuộc thi này đã tiếp tục khăn gói chuyển sang cuộc thi khác để hy vọng ''biết mặt điểm tên'' nhỡ đâu may mắn lại giành vương miện.
Vẫn biết nhiều hoa hậu và mang được sứ mệnh truyền cảm hứng, quảng bá được nét đẹp phụ nữ Á đông ra thế giới thì quá tốt! Nhưng điểm lại trong số đã đăng quang, liệu có nàng hậu nào đã làm được điều đó ngoại trừ con số ít ỏi như H'Hen Niê thì đa phần những người đẹp có danh nếu không vướng lùm xùm tình ái thì thì cũng khoe độ giàu sang.
NĐ 144 mở toang cánh cửa cho các cuộc thi nhan sắc vô hình chung đang biến các thiếu nữ mới lớn, kể cả các quý bà đã chồng con đề huề ảo tưởng sức mạnh của chiếc vương miện, giống như được vinh danh là một sự ghi nhận lớn lao của xã hội đối với mình, như lời một cô hoa hậu từng nói "nhan sắc đã là một tài năng". Một cuộc thi hoa hậu đang rất bình thường ở thế giới, nó như một gameshow giải trí thì ở Việt Nam, nó đang nhiều và bội thực tới mức... không bình thường.