Mặc dù Đế Chế đã phát triển từ lâu đời, kéo thành một cộng đồng mạnh mẽ ở Việt Nam nhưng vì nhiều lí do khác nhau, xã hội vẫn chỉ coi tựa game này như một cách thức để giải trí thay vì thể thao điện tử.

Chiến đấu vì màu cờ sắc áo

Có một thời gian khá lâu, Bibi sau quãng thời gian nổi lên đã trở thành một “thách thức”, chướng ngại vật lớn nhất cho “thần đồng”  Chim Sẻ Đi Nắng .

Ở thời điểm đó, dù hai gương mặt được ví như Messi và Ronaldo trong bóng đá gặp nhau ở bất kỳ thời điểm nào, cuộc chiến nào dù là solo hay đánh theo đội, khán giả vẫn coi đây là những đối thủ khó “đội trời chung” của nhau.

Trên các diễn đàn, fan của cả hai tìm cách “troll” nhau, sự tranh luận xem ai mới là số 1 đương đại trở thành chủ đề không có hồi kết.

Nhưng kể từ thời điểm các clan AOE lớn tại Việt Nam (được coi là tứ hùng gồm Game TV, Thái Bình, Hà Nội, Skyred) tích cực đẩy mạnh giao lưu nhằm chuẩn bị cho giải AOE Việt – Trung, người ta mới nhận ra thực chất các game thủ chưa bao giờ có sự ganh đua, đố kỵ.

Thậm chí họ coi nhau như anh em một nhà, tất cả vì mục đích cùng nỗ lực để đánh bại những đối thủ nặng ký tới từ Trung Quốc.

Khi Đế Chế thành bộ môn kéo tình hữu nghị 2 nước...

Từ khá lâu rồi, mỗi lần những cái tên “hot” như Chim Sẻ Đi Nắng, Hồng Anh, Bibi… đối đầu với một game thủ hàng đầu Trung Quốc (ShenLong, Chiến Tướng, Sơ Luyến…) là các trang web xem trực tuyến lại trong tình trạng quá tải.

Có không ít bạn trẻ sẵn sàng gác mọi công việc sang một bên chỉ để theo dõi các thần tượng của mình thi đấu.

Tại giải AOE Việt – Trung vừa khởi tranh, mức giá vé được bán dao động từ 200-300 ngàn đồng. Thực tế đó là con số không hề nhỏ với phần lớn những người hâm mộ là sinh viên.

Nhưng nó chẳng thể làm khó các fan một khi họ có niềm đam mê. Hàng trăm, hàng ngàn bạn sinh viên vẫn sẵn sàng chi tiền để được mục sở thị các thần tượng bằng xương bằng thịt thi đấu.

Đến hội trường, có lẽ họ cũng không phải thất vọng bởi trước mắt mình là những Chim Sẻ, Hồng Anh, Hoàng Mai Nhi, Bibi, VanLove… tất cả cùng nhau khoác trên mình một màu áo đỏ sao vàng, để thi đấu vì màu cờ Tổ quốc.

Những game thủ dù rất trẻ về tuổi đời (nòng cốt là các game thủ sinh năm 1996) nhưng tất cả đều ý thức được rằng, họ thi đấu vì màu cờ sắc áo.

Họ không chỉ thi đấu bằng niềm đam mê như mọi khi nữa, mà là vì danh dự của Tổ quốc, khi họ đã bị chạm vào lòng tự ái trước câu nói đầy thách thức từ phía đối thủ: “Chúng tôi sẽ mang cả 5 chiếc cup về với Trung Quốc!”.

Đâu chỉ có là game, Đế Chế mang niềm tự hào dân tộc!!!

Ở dưới khán đài, hàng ngàn khán giả vã mồ hôi vẫn cổ vũ nồng nhiệt. Họ reo hò, vỗ tay tản thưởng và cùng ồ lên mỗi khi team Việt Nam tổ chức một đợt ốp quân tập thể…

Những không khí và cảm xúc tưởng chừng chỉ có ở môn bóng đá nhưng đó lại là ở bộ môn AOE.

Tầm vóc của bóng đá và Đế chế không giống nhau, bóng đá có hàng triệu khán giả trong khi Đế chế chỉ tính bằng nghìn.

Nhưng rõ ràng, cảm xúc khi chứng kiến những đồng đội khoác chung màu áo đỏ thi đấu của AOE cũng chẳng khác bóng đá là mấy!

Sự “thờ ơ” của dư luận

Ở Việt Nam, các trò game nói chung và AOE nói riêng mặc dù là niềm đam mê của hàng vạn bạn trẻ, nhưng với hàng triệu người khác thì đây chưa bao giờ được coi là một môn thể thao.

Thậm chí với rất nhiều người, nó chẳng qua chỉ là một trò chơi vô bổ, chỉ dành cho những cậu sinh viên lười học, vô công rồi nghề…

Những năm gần đây, mọi thứ đã có dấu hiệu tích cực hơn khi cũng có một số ông bầu vì tâm huyết nên đã đứng ra lập nên những clan AOE để các game thủ có môi trường lành mạnh, chuyên nghiệp để sinh hoạt.

Một số doanh nghiệp cũng bắt đầu vào cuộc để tuyển chọn, đào tạo các game thủ và tổ chức các giải đấu, khiến làng AOE phần nào bớt đi sự kém chuyên nghiệp như cách đây khoảng chục năm.

Rất nhiều các trận đấu đỉnh cao được diễn ra và được quay phát trên khá nhiều website, khiến cộng đồng AOE trong nước trở nên khá sôi nổi.

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ là sự manh nha. Điều quan trọng nhất, chơi game chưa thể được coi là một nghề và các game thủ vẫn chưa thể sống bằng niềm đam mê của mình.

Kể cả những huyền thoại lẫy lừng trong làng như X-Man, Long Thiếu Gia, Linda, Dinosaur… đều chỉ thi đấu vài năm và chuyển sang những con đường khác như bác sĩ, kỹ sư, kinh doanh để lo chuyện cơm áo gạo tiền – thứ mà AOE khó lòng có thể mang lại.

Giải đấu quy mô nhưng vẫn chưa được đông đảo cộng đồng quan tâm.

Ngay như mới nhất, đó chính là giải AOE giao hữu Việt – Trung vừa mới khởi tranh.

Mặc dù các đơn vị tổ chức đã nỗ lực rất nhiều nhưng chừng đó vẫn chưa xứng đáng với tầm vóc của một giải đấu mà đáng lẽ ra, nó cần phải được tổ chức “hoành tráng” hơn, rầm rộ hơn bởi sự hội tụ tất cả những siêu sao bậc nhất của hai nền AOE Việt Nam – Trung Quốc.

Để tổ chức giải đấu, Game TV (đơn vị có nhiều đóng góp bậc nhất trong làng AOE Việt Nam trong suốt chục năm qua) đã phải nỗ lực rất nhiều, từ việc mời đầy đủ các hảo thủ Trung Quốc sang Việt Nam, đến những vấn đề kinh phí, hội trường, tài trợ, truyền thông…

Rõ ràng, để AOE thực sự phát triển chuyên nghiệp, rất cần sự chung tay của nhiều đơn vị hơn nữa, để các game thủ được thực sự sống bằng niềm đam mê của mình.

Đây vẫn là điều mà hàng chục năm qua, các ông bầu, game thủ vẫn ngày đêm trăn trở. Bởi với họ, những người có niềm đam mê thực sự thì AOE chưa bao giờ chỉ là một trò chơi, nó phải là một nghề để có thể sống và cống hiến hết mình.

Ở giải đấu năm nay, sự thiếu vắng đáng kể duy nhất chính là cái tên Sơ Luyến bên phía Trung Quốc – người đã từng lên ngôi vô địch thể loại solo Shang thuần tiễn ở giải Việt – Trung năm 2011.

Tuy nhiên thay vào đó, đoàn Trung Quốc lại có sự góp mặt của Đỗ Thánh – gương mặt được coi là xuất sắc nhất ở thể loại Shang của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Trailer cực chất về AOE đại chiến do GameTV sản xuất.

 

Theo Trí Thức Trẻ