Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các hãng tàu, đại lý hãng tàu và các đại lý giao nhận về việc áp dụng chữ ký số Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển.
Trong công văn này, Tổng cục Hải quan cho biết, để đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ khai báo và đơn giản hóa việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban chỉ đạo 1899), Tổng cục Hải quan thông báo đến các hãng tàu, đại lý tàu và đại lý giao nhận: kể từ 01/01/2018, Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ chính thức yêu cầu các hãng tàu, đại lý tàu và đại lý giao nhận sử dụng chữ ký số khi khai báo thông tin thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Tổng cục Hải quan đề nghị các hãng tàu, đại lý hãng tàu và đại lý giao nhận chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để đáp ứng thực hiện các yêu cầu nên trên, bao gồm: Đăng ký để được cấp chữ ký số từ các nhà cung cấp chữ ký số công cộng; Cập nhật chữ ký số gắn với thông tin tài khoản dùng để khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Thời hạn Tổng cục Hải quan yêu cầu các hãng tàu, đại lý hãng tàu và các đại lý giao nhận cần hoàn thành các nội dung công việc chuẩn bị kể trên chậm nhất là trước 15/12/2017.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, việc triển khai áp dụng chữ ký số đối với Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển là một nội dung nhằm thực hiện lộ trình và kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển, theo Quyết định 2185 ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 là tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đồng thời, tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam là thành viên.
Kế hoạch cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2018 là hoàn thành triển khai mở rộng ra phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải.