Thị trường chứng khoán Việt Nam đảo chiều giảm giá trong phiên chiều 1/2, khi áp lực bán gia tăng đối với nhiều mã cổ phiếu trụ cột, sau đó lan ra trên diện rộng ở nhiều nhóm ngành khác nhau.
Nỗi lo về một đợt điều chỉnh theo những diễn biến khó lường trên thị trường tài chính thế giới, cùng với cú đảo chiều bán ròng của khối ngoại, khiến nhiều nhà đầu tư quyết định bán ra để đảm bảo an toàn.
Kết thúc phiên giao dịch 1/2, chỉ số VN-Index giảm 35,21 điểm (-3,17%) xuống 1.075,97 điểm. HNX-Index giảm 6,42 điểm xuống 216,01 điểm. Upcom-Index giảm 1,2% xuống 74,93 điểm.
Với mức giảm gần 3,2%, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ghi nhận vốn hóa bốc hơi 6 tỷ USD.
Áp lực bán bắt đầu gia tăng vào cuối phiên sáng 1/2 khiến VN-Index đảo chiều từ tăng sang giảm. Sau giờ nghỉ trưa, lực bán tăng vọt trên diện rộng, đặc biệt sau 2h chiều. Phần lớn cổ phiếu ngân hàng đảo chiều giảm điểm.
Vietcombank (VCB) giảm 2.800 đồng, xuống còn 89.100 đồng/cp; TPBank (TPB) giảm 1.300 đồng, xuống 23.700 đồng/cp; Vietinbank (CTG) giảm 1.500 đồng xuống 29.000 đồng/cp. Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh giảm 1.450 đồng, xuống 25.650 đồng/cp; Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh giảm 1.200 đồng, xuống 28.200 đồng/cp…
Trong số cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm VN30 trên thị trường chứng khoán, chỉ có HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và VIBBank (VIB) của ông Đặng Khắc Vỹ tăng nhẹ.
Nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh và là yếu tố kéo thị trường xuống sâu. Vinhomes (VHM) giảm 2.900 đồng, xuống 48.000 đồng/cp; Vingroup (VIC) giảm 1.900 đồng, xuống 55.200 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) giảm 1.700 đồng, xuống 28.000 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa nhưng đa phần giảm, trong đó có nhiều mã giảm sàn như: DIC Corp. (DIG), TDC, DPG, DRH, DXG...
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán cũng giảm mạnh, trong đó nhiều mã giảm sàn như: Bản Việt (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng; VNDirect (VND); Chứng khoán TP.HCM (HCM)...
Chứng khoán SSI (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng cũng giảm gần sàn.
Các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp chính sách tiền tệ quan trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Hoạt động chốt lời diễn ra sau khi giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong tuần trước Tết và vài phiên sau Tết.
Trong cuộc họp đang diễn ra, Fed sẽ đưa ra quyết định có giảm tốc độ tăng lãi suất hay không và cũng sẽ phát ra tín hiệu chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng thận trọng và bán ròng cổ phiếu từ phiên 31/1 và phiên 1/2. Trước đó, khối ngoại mua ròng liên tục cổ phiếu Việt từ tháng 11/2022.
Mặc dù rủi ro Fed giữ tốc độ tăng lãi suất ở mức cao (50-75 điể phần trăm) là có nhưng nhiều dự báo và tín hiệu thị trường cho thấy, khả năng lớn Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm (lên 4,5-4,75%).
Fed cũng được dự báo sẽ sớm phải đảo chiều chính sách tiền tệ trong bối cảnh thế giới lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.
Thị trường chứng khoán còn chịu tác động khi đồng USD hồi phục trong hai phiên gần đây là do nhiều nhà đầu tư thận trọng trước khả năng bất ngờ có thể xảy ra từ Fed.
Trên thực tế, những tín hiệu trên thị trường phản ánh hơn 99% khả năng Fed nâng lãi suất thêm 25 điểm. Số liệu về lạm phát của Mỹ hạ nhiệt cũng góp phần khiến Fed không tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay. Theo dữ liệu mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong tháng 12/2022, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tăng 4,4% so với một năm trước đó, giảm so với mức 4,7% của tháng 11.
Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản lớn (trong đó có Vingroup, Vinhomes) gần đây báo doanh thu lợi nhuận 2022 khá tốt. Tuy nhiên, những khó khăn từ quý IV/2022 được dự báo còn kéo sang năm 2023 khi mà lãi suất ở mức cao và sức cầu suy giảm.
Theo báo cáo tài chính 2022, các doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đồng loạt ghi nhận doanh thu đạt kỷ lục ở vào thời điểm thị trường bất động sản khó khăn. Đây là điểm sáng bùng lên nhờ thương vụ đình đám. Tuy nhiên, khó khăn còn lớn. Vingroup ghi nhận tồn kho tăng 50 nghìn tỷ đồng, lên hơn 103,7 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tăng 63% lên hơn 439 nghìn tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính là hơn 168 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng có thể chứng kiến lợi nhuận trong năm 2023 giảm do biên lãi ròng (NIM) giảm khi lãi suất huy động tăng.
Về sản xuất, báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global chỉ ra rằng, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn trong tháng đầu của năm 2023. PMI tháng 1 tăng lên mức 47,4 điểm. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm hơn và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại cho thấy nhu cầu đã dần cải thiện.