Trong những năm qua, TP Hà Nội thực hiện hàng loạt giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các trục đường hướng tâm và đường vành đai. Tuy nhiên, do mật độ dân số tập trung "cô đặc" trong các quận nội thành nên mọi biện pháp không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Vào giờ cao điểm trong ngày, các tuyến đường hướng tâm như Quang Trung - Nguyễn Trãi, Xuân Thuỷ - Cầu Giấy, Tố Hữu - Lê Văn Lương, thường rơi vào tình cảnh tắc "không lối thoát". Đặc biệt, do nhà cao tầng mọc san sát, mật độ dân số hai bên đường Nguyễn Trãi quá cao, nên dù ngành giao thông đã áp dụng mọi giải pháp nhưng tuyến đường này vẫn ùn tắc bất kể thời gian nào trong ngày.
Còn mỗi dịp lễ tết, ngoài trục đường hướng ra ngoại thành, các tuyến đường vành đai như đường Láng, Trường Chinh, Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến và đặc biệt là cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ… luôn rơi vào cảnh ùn tắc cả ngày lẫn đêm.
Để tránh cảnh ùn tắc trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong dịp nghỉ lễ 30/4, kéo dài gần 1 tuần, anh Nguyễn Văn Phương xin nghỉ sớm một ngày để về quê Ninh Bình. Tuy nhiên, chiều thứ 5 tuần trước, cả gia đình anh Phương bị "giam" trên xe taxi gần 2 tiếng mới ra được ngoại thành.
Trong dịp nghỉ lễ lần này, nhiều người chọn cách thoát khỏi Hà Nội trong đêm hoặc về Thủ đô sớm hơn thường lệ, nhưng vẫn chịu cảnh ùn tắc ở tuyến đường Vành đai 3 trên cao hoặc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Điều đó cho thấy, áp lực giao thông trên các tuyến đường cửa ngõ Hà Nội đang rất lớn, đặc biệt là mỗi dịp lễ tết.
Theo ông Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ (Bộ GTVT), một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông ở TP Hà Nội hiện nay là do ngành giao thông chưa quan tâm đến quy hoạch phân luồng phương tiện theo hành lang vận tải. Trong đó, cần phải có những tuyến đường cấm xe taxi, cấm xe tải, xe khách… theo giờ.
Thực tế cho thấy ngành giao thông Hà Nội đã phân luồng xe khách theo vùng. Trong đó, xe khách đi các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc chỉ được hoạt động ở bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình. Còn xe khách đi về các tỉnh phía Nam, đón trả khách ở bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Với xe taxi, Hà Nội từng thí điểm cấm trên 9 tuyến đường. Nhưng các giải pháp này cũng không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến những tồn tại của Thủ đô, như ùn tắc giao thông, lụt lội, ô nhiễm môi trường…, theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng là do trong giai đoạn vừa qua thành phố phát triển chủ yếu hướng vào trung tâm. Cư dân thu hút vào nội đô, đã gây áp lực cho hạ tầng kinh tế - xã hội.
Nhận thức được những bất cập trên, TP Hà Nội cùng các cơ quan Trung ương đã tập trung cho việc xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, với tổng mức đầu tư 87.000 tỷ đồng, dài 112km (đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh).
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tuyến đường Vành đai 4 chạy qua 3 tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh là điển hình của liên kết vùng. “Nhiều tỉnh không có dự án đi qua nhưng sẽ hưởng lợi khi dự án hoàn thành”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho TP Hà Nội và các tỉnh thành trong khu vực. Cùng với 2 thành phố mới ở phía Bắc sông Hồng và Hoà Lạc, tuyến đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ là cực tăng trưởng mới của Thủ đô, góp phần giảm tải dân số trong nội thành.
Đến nay, TP Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để có được 70% mặt bằng sạch cho dự án khởi công vào tháng 6/2023. Theo kế hoạch, tuyến đường Vành đai 4 được hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác trong năm 2027.
Để xây dựng tuyến đường Vành đai 4, TP Hà Nội giải phóng mặt bằng 800ha đất. Theo báo cáo của Ban QLDA công trình giao thông Hà Nội, tính đến cuối tháng 4 vừa qua, trên địa bàn thành phố đã phê duyệt và thu hồi được 404ha đất phục vụ dự án (đạt 50,67%). Tổng số tiền đã phê duyệt đền bù, hỗ trợ các hộ dân mất đất khoảng 3.051 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, TP Hà Nội dự kiến sẽ khởi công đường Vành đai 4 tại bốn vị trí. Cụ thể là vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2, xã Thanh Xuân (Sóc Sơn); vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng, xã Song Phương (Hoài Đức); vị trí giao cắt giữa trục phía Nam, xã Tam Hưng (Thanh Oai); vị trí tuyến nối đê trục Thường Tín, xã Ninh Sở (Thường Tín).
Tiến độ dự kiến Vành đai 4 - Trước 10/5, Bộ TN&MT phê duyệt dự án đánh giá tác động môi trường. - Trước 30/6, Ban QLDA thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình, tổ chức chọn nhà thầu và khởi công dự án. - Hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác trong năm 2027. |