Giới trẻ Trung Quốc đang mong bị sa thải để có thể tận hưởng thời gian nghỉ và bồi thường theo hợp đồng.

Theo Luật Lao động của nước này, thuật ngữ "N+1" đề cập tới các khoản bồi thường đuổi việc cộng thêm một tháng lương mà các công ty Trung Quốc phải trả cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Nhiều người trẻ bày tỏ mong bị sa thải để giải thoát bản thân khỏi áp lực công việc và "nằm thẳng" - thuật ngữ mô tả thanh niên làm việc chỉ để đủ sống qua ngày.

Trào lưu này lan rộng đến mức chủ đề "giới trẻ chờ đợi N+1" trở thành từ khóa danh sách tìm kiếm trên mạng xã hội Xiaohongshu. Trên nền tảng Douban, nhóm thảo luận có tên "Hôm nay lại là một ngày muốn nghỉ việc" thu hút nhiều người tham gia.

Phần lớn họ đều bày tỏ không hài lòng với lãnh đạo, trưởng nhóm và đồng nghiệp nhưng không muốn nộp đơn xin nghỉ việc, mà chờ công ty sa thải để nhận bồi thường.

Sau khi bị sa thải, nhiều người vui mừng vì nhận được tiền bồi thường "N+1" từ công ty. Một cô gái cho biết "may mắn" nhận được "quà sa thải N+1" từ công ty ngay lúc được cấp thị thực đi du lịch. "Vốn dĩ tôi chỉ định xin nghỉ phép năm nhưng bây giờ tôi có thể nghỉ cả hè", cô nói.

Một người khác cho biết không hài lòng với công việc. Do đó khoản tiền cô nhận được là "bồi thường thiệt hại tinh thần - phần thưởng hoàn hảo".

Tỷ lệ thanh niên Trung Quốc thất nghiệp đang là vấn đề lớn của nước này. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia, từ tháng 4-6, những người thất nghiệp ở độ tuổi từ 16-24 vượt quá mức 20%, tháng 7 giảm xuống còn 19,9%.

Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, từng thu hút nhiều thanh niên và lao động trình độ cao, đang chứng kiến làn sóng sa thải thời gian qua. Tencent Holdings - tập đoàn lớn trong lĩnh vực tin nhắn và trò chơi điện tử, đã cắt giảm gần 10.000 việc làm từ tháng 3/2022 đến đầu năm 2023.

Năm 2022, Alibaba - tập đoàn lớn trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc, đã cắt giảm gần 20.000 người, chiếm 7% lực lượng lao động của công ty.

Theo SCMP