Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 7h ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.
Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa rào và giông mạnh, gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao 2-4m. Vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sóng biển cao 1,5-3m.
Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất
Từ ngày 14/7 đến ngày 17/7, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 250mm.
Cũng theo thông tin Dự báo khí tượng thuỷ văn, từ 23h ngày 13/7 đến 5h ngày 14/7, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên đã có mưa, mưa vừa đến mưa to như: Lao Chải 153,8mm (Hà Giang); Làng Mô 55,4mm (Lai Châu); Huổi Lèng 112,8mm (Điện Biên); Ít Ong 90,2mm, Mường Bú 77,2 (Sơn La); Đồng Khê 83mm (Yên Bái); Ia Me 98,6mm (Gia Lai); Ia Đal 96,2mm (Kon Tum);...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Sáng nay, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa với lượng phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm. Trong sáng nay, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.