Sáng nay (20/12) áp thấp nhiệt đới đã vượt qua khu vực phía Nam đảo Palawan (Philippines), đi vào Biển Đông.
Hồi 7h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8, di chuyển theo hướng Tây, khoảng 25km/h.
Đến 8h ngày 21/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,2 độ vĩ bắc-112,8 độ kinh đông, trên khu vực phía Tây vùng biển quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới ở cấp 6. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, suy yếu dần và đi vào Biển Đông.
Trên đất liền, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 22-24/12, thời tiết khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có mưa to.
Trên biển, ngày và đêm hôm nay ở khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 4-6m. Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-4m.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 4-6m.
Ở khu vực giữa Biển Đông, khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Theo nhận định, năm 2023 là một năm điển hình của hiện tượng El Nino, nước ta có ít bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Dự báo trong 3 tháng đầu năm 2024, trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới.