Người dùng Apple trên toàn thế giới đang đua nhau cập nhật phiên bản hệ điều hành mới nhất cho iPhone - iOS 14.5 - với những cải tiến thú vị, như một loạt các biểu tượng emoji mới toanh.
Nhưng có một thay đổi khác "kém vui" hơn, dù rằng với nhiều người lại là thứ có ý nghĩa nhất trong bản cập nhật: sự xuất hiện của tính năng "app tracking transparency" (tạm dịch: tính năng chống ứng dụng theo dõi người dùng, viết tắt ATT).
Tính năng này hứa hẹn sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên mới, nơi quyền riêng tư của người dùng được đề cao, và không phải ai cũng vui vẻ với điều đó, đặc biệt là Facebook - công ty dựa vào việc theo dõi thói quen duyệt web của người dùng để bán quảng cáo nhắm mục tiêu. Một số nhà bình luận đã miêu tả sự ra đời của ATT như khởi đầu của một mối thù xoay quanh vấn đề quyền riêng tư giữa hai ông lớn công nghệ.
Vậy ATT là gì?
ATT là bước đi tiếp theo trong nỗ lực trở thành một nền tảng đề cao quyền riêng tư của Apple. Tính năng mới này cho phép các ứng dụng hiển thị một thông báo pop-up giải thích những dữ liệu muốn thu thập, và dự định sẽ làm gì với số dữ liệu đó.
Người dùng không phải làm bất kỳ điều gì để tận dụng được tính năng mới này, trừ việc cài đặt bản cập nhật iOS mới nhất, vốn sẽ diễn ra hoàn toàn tự động trên hầu hết các thiết bị. Một khi đã nâng cấp, các ứng dụng có hành vi theo dõi người dùng sẽ hiển thị một thông báo để người dùng lựa chọn hoặc tiếp tục cho phép ứng dụng theo dõi, hoặc chấm dứt hành động này.
ATT hoạt động ra sao?
Theo như giải thích của Apple, tính năng ATT là một "giao diện lập trình ứng dụng" mới, hay API - một tập lệnh được sử dụng bởi các nhà phát triển nhằm tương tác với hệ điều hành.
API mang lại cho các nhà phát triển phần mềm một số chức năng định sẵn để làm những thứ như "yêu cầu cấp phép theo dõi" hoặc sử dụng cơ chế quản lý theo dõi để "kiểm tra tình trạng cấp phép" của từng ứng dụng riêng rẽ.
Nói một cách dễ hiểu, ATT mang lại cho các nhà phát triển ứng dụng một phương thức nhất quán nhằm đề nghị được cấp quyền theo dõi từ người dùng thiết bị. Nó còn có nghĩa hệ điều hành nay sẽ có vai trò trung tâm, đảm nhiệm lưu trữ và kiểm tra những quyền đã được cấp cho các ứng dụng.
Điều không thể hiện rõ là không hề có cơ chế hữu hình nào nhằm ngăn chặn việc theo dõi người dùng. Framework ATT đơn giản chỉ là một thông báo pop-up hiện ra mà thôi.
Ngoài ra, cần chú ý ngôn từ cụ thể của thông báo này: "ask app not to track" (yêu cầu ứng dụng không theo dõi). Nếu ứng dụng đang sử dụng "mã định danh quảng cáo của thiết bị" (device advertising identifiers), chọn "Không" sẽ khiến mã định danh này bị trả về 0, qua đó hạn chế khả năng theo dõi của những ứng dụng tuân thủ chính sách theo dõi của Apple.
Tuy nhiên, nếu một ứng dụng thực sự muốn theo dõi bạn, sẽ có nhiều kỹ thuật có thể cho phép chúng lén lút tạo ra những mã định danh người dùng, gây khó khăn cho việc phát hiện hoặc ngăn chặn của Apple.
Ví dụ, dù một ứng dụng có thể không sử dụng "mã định danh quảng cáo của thiết bị" của Apple, ứng dụng đó vẫn dễ dàng tạo ra một mẩu "dữ liệu ngẫu nhiên" nhỏ. Dữ liệu này sau đó sẽ được chuyền qua lại giữa các website dưới dạng những hoạt động thông thường như lấy một hình ảnh với dữ liệu nhúng trong tên tập tin. Dù đây là hành vi vi phạm các quy định nhà phát triển của Apple, phát hiện ra loại dữ liệu bí mật này có thể cực kỳ khó khăn.
Apple dường như đã sẵn sàng để "đấu đến cùng" với các nhà phát triển không chơi theo luật. Những bổ sung mới nhất trong bộ quy tắc App Store của Apple nói rằng: các nhà phát triển "phải nhận được cấp phép rõ ràng từ người dùng thông qua API App Tracking Transparency mới được theo dõi hoạt động của họ".
Các nhà phát triển ứng dụng lớn nhiều khả năng sẽ không muốn làm trái luật - nếu bị Apple cấm cửa khỏi App Store, thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Nhưng Apple cũng khó mà "cấm vận" một công ty lớn như Facebook hay TikTok bởi đằng sau quyết định đó hẳn phải có hàng loạt những cuộc thương lượng hết sức gay cấn.
Tại sao Facebook lại phản đối ATT?
Facebook được "nuôi sống" bởi dữ liệu người dùng web. Bất kỳ thứ gì ngáng đường mạng lưới doanh thu khổng lồ của họ đều bị xem là một mối đe doạ. Năm 2020, doanh thu từ quảng cáo của Facebook đã vượt quá 84 tỷ USD - tăng đến 21% so với năm 2019.
Vấn đề này trên thực tế rất sâu xa và phản ánh những mô hình kinh doanh rất khác biệt của hai gã khổng lồ công nghệ. Mô hình kinh doanh của Apple là bán laptop, máy tính, điện thoại, và đồng hồ - một phần đáng kể thu nhập của họ xuất phát từ hệ sinh thái rộng lớn gồm các ứng dụng và các mặt hàng bán trong các ứng dụng chạy trên những thiết bị đó. Doanh thu từ ứng dụng của Apple được ước tính khoảng 64 tỷ USD trong năm 2020.
Nhằm đảm bảo các khách hàng luôn trung thành và hài lòng trong quá trình sử dụng các thiết bị của mình, Apple đang có thời cơ rất thuận lợi để mang lại những tính năng về quyền riêng tư mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kinh doanh.
Tôi có nên dùng ATT không?
Suy cho cùng, đó là lựa chọn của người tiêu dùng. Nhiều ứng dụng và dịch vụ hiện được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người dùng. Các nhà phát triển ứng dụng thường bù đắp chi phí thông qua các mô hình gói trả phí (subscription), các mặt hàng trong ứng dụng (in-app purchase), hoặc quảng cáo trong ứng dụng. Nếu đủ lượng người dùng quyết định nắm quyền kiểm soát quyền riêng tư của mình, các nhà phát triển hoặc phải thay đổi mô hình kiếm tiền (có thể là chuyển ứng dụng sang trả phí), hoặc tìm nhiều con đường khác để theo dõi người dùng nhằm duy trì doanh thu từ quảng cáo.
Nếu bạn không muốn dữ liệu của mình bị thu thập (và bán cho các bên thứ ba không rõ danh tính), tính năng này sẽ mang lại một giải pháp để hạn chế dữ liệu của bạn bị mang ra mua bán.
Nhưng cũng cần nhớ rằng theo dõi người dùng và thiết bị là một công cụ giá trị nhằm tối ưu hoá quảng cáo thông qua xây dựng nên một bức tranh toàn cảnh về mỗi cá nhân. Nó sẽ giúp tăng mức độ liên quan của từng quảng cáo trong khi giảm chi phí quảng cáo (bằng cách chỉ nhắm đến những người dùng nhiều khả năng có hứng thú với nó). Người dùng cũng được hưởng lợi bởi họ sẽ thấy nhiều quảng cáo liên quan hơn đến những sở thích của mình.
Tóm lại, ATT có thể trì hoãn tần suất chúng ta thấy những quảng cáo được cá nhân hoá trong các ứng dụng và website, nhưng thay đổi này sẽ không thể đặt dấu chấm hết cho những quảng cáo số đang xâm phạm quyền riêng tư của chúng ta. Về cơ bản, đó là cái giá chúng ta phải trả để được tiếp cận miễn phí đến những dịch vụ thường ngày.
(Theo VnReview, TheNextWeb)
Apple ra sức vận động ngăn chặn luật "cho không" App Store
Dự luật sửa đổi của bang Arizona cho phép các nhà phát triển ứng dụng sử dụng nền tảng thanh toán của bên thứ ba, tránh phải cắt chi phí từ 15 đến 30% cho Apple hay Google. Apple ra sức vận động hành lang để phản đối.