Apple nhấn mạnh công ty tự phát triển hoặc mua lại công nghệ, song bài báo mới trên Thời báo Phố Wall lại chỉ ra điều ngược lại. Theo đó, hàng loạt startup bị Apple “tán tỉnh” để rồi đánh cắp ý tưởng của họ.
Các nhà phát triển phần mềm gọi hành vi này là Sherlocking. Nó mô tả tình huống khi Apple ra mắt gì đó, về cơ bản “tiêu diệt” việc làm ăn của một công ty nhỏ hơn. Cụ thể, “Táo khuyết” bị cáo buộc nhiều lần lợi dụng một nhà phát triển làm nghiên cứu thị trường. Apple tổ chức các cuộc thảo luận mở với họ và sau khi biết được những gì mình cần, liền ngó lơ và tự mình làm ra phiên bản riêng.
Chẳng hạn, nhà phát triển BlueMail kiện Apple vi phạm tài sản sở hữu trí tuệ đối với tính năng Sign in with Apple, dù vụ kiện sau đó bị bãi bỏ. Thời báo Phố Wall đã thu thập hơn 20 trường hợp tương tự.
“Khi Apple có hứng thú với một công ty, nó chính là ‘nụ hôn thần chết’”, Joe Kiani – nhà sáng lập công ty thiết bị đo oxy trong máu Masimo – chia sẻ trên tờ báo. “Đầu tiên, bạn thấy vô cùng phấn khích, để rồi nhận ra kế hoạch dài hơi của họ là họ tự làm và lấy đi tất cả”.
Masimo tiết lộ email từ Adrian Perica, từng là Giám đốc sáp nhập tại Apple. Email viết Apple muốn “đào sâu” vào công nghệ của Masimo, không quên nói thêm “hãy cùng nhau thảo luận bất kỳ ý tưởng nào bạn có về cách Apple có thể hay nên tích hợp một số công nghệ này vào sản phẩm của chúng tôi”. Vài tháng sau, nhà sản xuất iPhone đã “cuỗm” Giám đốc y khoa Michael O’Reilly của Masimo, tăng lương gấp đôi và thưởng thêm hàng triệu cổ phiếu. Kiani cho biết Apple đã trấn an mình về việc tuyển dụng O’Reilly, đồng thời tiếp tục thảo luận với nhau, cho đến khi bị ông lớn lôi kéo tổng cộng 30 kỹ sư.
Hiện tại, Masimo vẫn đang kiện Apple và được Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC) ủng hộ. Với Masimo, AliveCor hay các doanh nghiệp nhỏ khác, quy trình của Apple bắt đầu từ chủ động liên lạc, rồi cố gắng đánh cắp những người giỏi nhất phát triển công nghệ đó. Vinod Khosla, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm nhà đầu tư AliveCor, thường hướng dẫn các công ty tránh xa bất kỳ cuộc đàm phá nào với Apple.
Apple phủ nhận mọi cáo buộc. Người phát ngôn khẳng định “sự thật là các công ty đang sao chép trắng trợn sản phẩm của chúng tôi hoặc cản trở tự do bằng cách sử dụng các bằng sáng chế vô hiệu”.
Theo Kiani, Masimo đã chi 55 triệu USD cho các vụ kiện và ước tính con số sẽ lên tới 100 triệu USD. Chúng bao gồm nộp đơn lên ITC để nhà quản lý ủng hộ yêu cầu cấm bán Apple Watch tại Mỹ. Lệnh cấm sẽ không được thi hành cho đến khi tất cả các phiên phúc thẩm kết thúc.
(Theo Apple Insider)