Apple đã nộp đơn xin cấp phép nhãn hiệu “Reality One”, “Reality Pro” và “Reality Processor” tại Mỹ, châu Âu, Anh, Canada, Australia, New Zealand, Ả-rập Xê-út, Costa Rica và Uruguay. Dù bản thân Apple không tự mình làm việc này, “táo khuyết” từng làm điều tương tự trong quá khứ.
Thiết bị đeo của Apple được dự đoán kết hợp AR và VR, cạnh tranh với Meta, công ty đứng đầu thị trường thiết bị VR hiện nay. Đã vài năm từ khi Apple Watch ra đời, Apple chưa có danh mục phần cứng nào mới.
Headset HTC Vive tại hội nghị Apple năm 2017. (Ảnh: Bloomberg) |
Người phát ngôn Apple từ chối bình luận về các hồ sơ. Do hồ sơ chưa được duyệt, không có gì bảo đảm sản phẩm tương lai của hãng sẽ dùng một trong số tên này. Dù vậy, có các bằng chứng cho thấy Apple đang đặt nền móng cho thiết bị. Đầu năm nay, nhà sản xuất iPhone xin cấp phép nhãn hiệu “realityOS”.
Theo hồ sơ mà Bloomberg thu thập được, các nhãn hiệu mới đều được đăng ký cho một công ty có tên Immersive Health Solutions thành lập hồi tháng 2. Công ty này lại được một công ty khác - Corporation Trust – đăng ký. Những doanh nghiệp như Apple thường sử dụng các công ty vỏ bọc để nộp đơn xin cấp phép nhằm tránh bị phát hiện.
Để nộp hồ sơ nhãn hiệu, công ty đứng sau sẽ dựa vào một số hãng luật lớn tại từng quốc gia. Tại Mỹ, Canada, New Zealand, các hãng luật được ủy quyền từng được Apple sử dụng trước đây để đăng ký nhãn hiệu. Chẳng hạn, tại New Zealand, hãng luật Simpson Grierson phụ trách hồ sơ nhãn hiệu “Reality”. Trước đây, Apple cũng thuê Simpson Grierson để đăng ký tên Apple Sales New Zealand.
Bloomberg cho biết, Apple thường áp dụng quy trình này để đăng ký nhãn hiệu trước khi sản phẩm ra mắt vài tháng đến vài năm. Nó giúp “táo khuyết” có được cái tên mình muốn mà không phải mua lại từ một chủ sở hữu nào khác. Apple thực hiện cách tiếp cận như vậy sau màn ra mắt iPhone năm 2007 và phải thỏa thuận với Cisco để sở hữu tên iPhone.
Apple được dự đoán giới thiệt thiết bị thực tế hỗn hợp đầu tiên cho thị trường cao cấp vào năm 2023 nhưng gặp phải các vấn đề với cảm biến máy ảnh, phần mềm và nhiệt độ trong quá trình phát triển. Nếu Apple thực sự đứng sau các hồ sơ, “Reality One” và “Reality Pro” về lý thuyết sẽ là tên của sản phẩm. Công ty sẽ cố gắng đăng ký nhiều tên khác nhau trong trường hợp muốn ra mắt nhiều thiết bị trong tương lai.
Apple thường dùng hậu tố “Pro” cho sản phẩm cao cấp, bao gồm iPhone Pro, iPad Pro và MacBook Pro. Hậu tố “One” xuất hiện trong gói thuê bao Apple One.
Thiết bị đầu tiên tên mã N301 có thể là một trong các mẫu đắt nhất và mạnh nhất thị trường. Mẫu tiếp theo, tên mã N602, cũng như kính AR tên mã N602 có thể phải chờ đến cuối thập niên mới xuất hiện.
Nhãn hiệu “Reality Processor” có khả năng liên quan đến con chip riêng trên headset, còn “realityOS” là hệ điều hành.
Sắp tới, Meta dự định công bố Quest Pro vào tháng 10 với các tính năng như theo dõi cơ thể và mắt. Google, Samsung và các đối thủ khác cũng đang nghiên cứu thiết bị VR, AR khác của riêng mình.
Du Lam (Theo Bloomberg)
Công ty Trung Quốc tham vọng ‘khuấy đảo’ chuỗi cung ứng Apple
Nằm cách Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, 40km, các nhà tuyển dụng đang tranh nhau tìm kiếm hàng chục ngàn công nhân cho nhà máy của Wingtech Technology.