Apple là công ty đầu tiên trên thế giới chạm mốc vốn hóa 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà sản xuất iPhone không còn giữ được phong độ trong năm “sóng gió” vừa qua.
Phiên giao dịch ngày 3/1, cổ phiếu Apple giảm 3,7% và giao dịch ở mức 125,07 USD. Điều khiến các nhà đầu tư lo lắng là kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và lạm phát cao, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thiết bị. Tờ Nikkei dẫn lời nguồn tin cho biết, Apple đã thông báo các đối tác sản xuất linh kiện tai nghe, đồng hồ và laptop ít hơn.
Với phiên giảm giá này, vốn hóa Apple dừng lại ở 1,99 nghìn tỷ USD. Nhà phân tích Jerome Ramel hạ dự báo lô hàng iPhone trong năm tài khóa 2023 từ 245 triệu máy xuống 224 triệu máy. Con số phản ánh các vấn đề chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất Foxconn và người dùng thắt chặt chi tiêu đồ cao cấp.
Hiện tại, Apple chỉ nhỉnh hơn Microsoft, công ty đang sở hữu mức vốn hóa 1,8 nghìn tỷ USD.
Theo hãng tài chính Refinitiv, các nhà phân tích dự đoán doanh thu quý IV/2022 của Apple sẽ giảm 1%, đánh dấu lần đầu sụt giảm kể từ quý I/2019.
Nhà phân tích Kim Forrest nhận định, dù Apple có xu hướng nghiêng về khách hàng cao cấp, ngay cả phân khúc này cũng không tránh khỏi tác động của lạm phát.
Năm 2022, cổ phiếu công nghệ bị bán tháo đồng loạt do nhà đầu tư lo lắng về lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến những cổ phiếu tăng trưởng nóng. Vốn hóa Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Meta cộng lại nay chiếm khoảng 18% danh sách S&P 500, giảm từ 24% năm 2020.
Dù mất 27% giá trị năm ngoái, Apple vẫn mang đến lợi nhuận khủng cho các cổ đông dài hạn. Những nhà đầu tư đã mua và nắm giữ cổ phiếu Apple từ 2007 – năm Steve Jobs giới thiệu iPhone – tận hưởng mức tăng hơn 4.000%, chưa kể cổ tức, so với mức tăng 180% của S&P 500 trong cùng kỳ.
(Theo Reuters)