Apple phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc – khu vực không được hưởng lợi từ việc hoãn áp thuế đối ứng. Trái lại, Mỹ còn nâng tổng mức thuế lên hàng hóa Trung Quốc lên tới 145%.

Vì vậy, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là biến số quan trọng nhất đối với công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu công nghệ toàn cầu tại công ty chứng khoán Wedbush, nhận định trên CNBC: “Apple có thể bị kéo lùi hàng năm trời vì những mức thuế này”. Ông ví nhà sản xuất iPhone như “con thuyền bị lật giữa đại dương mà không có lấy một chiếc phao cứu sinh”.

apple cnet
Apple là một trong những công ty chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: Cnet

Trong vài năm qua, Apple đã nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu Omdia, trong số 77 triệu chiếc iPhone nhập khẩu vào Mỹ năm ngoái, gần 80% vẫn có xuất xứ từ Trung Quốc đại lục.

Omdia ước tính rằng với mức thuế hiện hành, Apple có thể buộc phải tăng giá iPhone sản xuất tại Trung Quốc bán ở thị trường Mỹ lên tới 85% nếu muốn duy trì biên lợi nhuận.

“Tác động từ mức thuế ban đầu (54%) vốn đã nghiêm trọng, nhưng vẫn còn trong tầm kiểm soát…”, ông Le Xuan Chiew, Giám đốc phân tích tại Omdia, nhận định.

Không nhiều lựa chọn

Theo Times of India, Apple đã vận chuyển khoảng 600 tấn iPhone – tương đương 1,5 triệu chiếc – từ Ấn Độ sang Mỹ ngay trước khi mức thuế mới có hiệu lực.

Chuyên gia Le Xuan Chiew cho rằng, dù thông tin này chưa được xác minh chính thức, việc tích trữ iPhone là phương án tốt nhất giúp Apple giảm thiểu tối đa tác động từ thuế và giành thêm thời gian để ứng phó.

Dù vậy, vẫn chưa rõ số iPhone dự trữ đó có thể trụ được bao lâu – nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ đang gấp rút mua iPhone trước lo ngại giá tăng.

Omdia nhận định, chiến lược trung hạn của Apple là né tránh các rủi ro liên quan đến thuế quan và địa chính trị. Hãng đã chuyển hướng mạnh sang tăng sản lượng và xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ. Việc Tổng thống Trump tạm hoãn áp thuế đã giữ mức thuế với Ấn Độ ở mức 10% – ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, việc xây dựng một đế chế sản xuất iPhone tại quốc gia Nam Á này không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Các đối tác của Apple mới chỉ bắt đầu lắp ráp dòng iPhone cao cấp – Pro và Pro Max – từ năm ngoái.

Theo ông Le Xuan Chiew, để năng lực sản xuất tại Ấn Độ có thể đáp ứng được nhu cầu toàn cầu của khách hàng Apple, sẽ cần ít nhất từ 1 đến 2 năm – và quá trình này không hề miễn nhiễm với rủi ro.

Liên quan đến vấn đề thuế quan, các chuyên gia cho rằng lựa chọn khả thi nhất hiện nay đối với Apple là xin chính quyền Mỹ miễn trừ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời tiếp tục chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Đây cũng là điều Apple từng thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump.

Một số nhà phân tích tin tưởng rằng điều đó có thể tái diễn, đặc biệt nếu Apple đưa ra các nhượng bộ lớn như cam kết đầu tư 500 tỷ USD và tạo ra 20.000 việc làm tại Mỹ.

Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn kiên định với mong muốn Apple sản xuất iPhone tại chính nước Mỹ – dù nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính khả thi của điều này.

Chuyên gia Dan Ives dự đoán, nếu iPhone được sản xuất hoàn toàn trong nước, mức giá có thể đội lên tới 3.500 USD, so với khoảng 1.000 USD hiện nay.

(Theo CNBC)