Theo nguồn tin từ Nikkei Asian Review, Apple đang chuẩn bị sản xuất thử tai nghe không dây AirPods của mình tại Việt Nam trong nỗ lực tăng tốc kế hoạch đa dạng hóa hoạt động sản xuất các dòng sản phẩm của mình ra bên ngoài Trung Quốc.
Theo hai nguồn tin thân cận với sự việc, hãng GoerTek của Trung Quốc, một trong những nhà lắp ráp quan trọng của Apple, sẽ bắt đầu thử nghiệm chuyển quá trình sản xuất dòng tai nghe không dây AirPods sang một nhà máy âm thanh của họ tại miền Bắc Việt Nam trong mùa hè này.
Điều này sẽ đánh dấu lần đầu tiên những chiếc tai nghe không dây này được sản xuất tại một thị trường khác ngoài Trung Quốc. Ra mắt từ năm 2016, AirPods đã trở thành sản phẩm có tăng trưởng nhanh nhất của Apple, với lượng xuất xưởng 20 triệu sản phẩm trong năm 2017 và 35 triệu trong năm 2018.
Theo một người trực tiếp biết về sự việc, Apple còn yêu cầu hai nhà cung cấp linh kiện khác hỗ trợ nỗ lực của Goertek, cho dù khối lượng sản xuất ban đầu còn rất nhỏ. "Các nhà cung cấp được yêu cầu giữ mức giá không đổi cho giai đoạn sản xuất thử nghiệm này, nhưng mức giá có thể được đánh giá lại khi khối lượng sản xuất tăng lên."
Từ lâu, Apple đã đặt việc sản xuất các tai nghe có dây EarPods của họ tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, những chiếc tai nghe không dây AirPods vẫn chỉ được sản xuất tại Trung Quốc bởi các nhà cung cấp Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek.
Khi nhận thấy những lợi thế của Trung Quốc về chi phí và lao động giá rẻ đang trở nên mờ dần, Apple đã thúc đẩy các nhà cung cấp của mình đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Trong khi đó, AirPods đang là tai nghe không dây bán chạy nhất thế giới với 60% thị phần toàn cầu, bỏ xa các đối thủ phía sau như Samsung, Huawei và các nhà sản xuất âm thanh truyền thống khác.
Theo dự báo của Counterpoint, lượng xuất xưởng toàn cầu đối với tai nghe không dây sẽ tăng từ 48 triệu trong năm 2017 lên 129 triệu sản phẩm trong năm 2020.
Động lực tăng trưởng mạnh mẽ này đang mang lại cho Apple cơ hội để tăng tốc quá trình đa dạng hóa địa điểm sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc mà không cần phải giảm sản lượng – một điều có thể trở thành vấn đề nhạy cảm cho Apple và những nhà cung cấp của mình.
Theo nhà phân tích, Chiu Shih-Fang của Viện nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, Apple sẽ "chấp thuận chiến lược "Trung Quốc + Một"," khi "xuất xưởng các sản phẩm bán thành phẩm tới địa điểm mới và sau đó lắp ráp chúng lại với nhau. Họ sẽ không sản xuất tất cả mọi thứ từ đầu đến cuối" tại một nơi nữa.
Lúc này, Việt Nam đang nổi lên như một sự thay thế đầy khả thi, nhờ vào vị trí địa lý gần với Trung Quốc để có thể tận dụng các lợi thế về logistic cũng như lực lượng lao động tay nghề cao nhưng có chi phí thấp hơn.
"Nhiều công ty công nghệ đang dịch chuyển hoặc tăng cường sản xuất [tại Việt Nam] để tránh thuế quan, do họ gần với Trung Quốc và có sẵn chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh so với các quốc gia Đông Nam Á khác." Karen Ma, nhà phân tích về các thị trường mới nổi tại Viện Nghiên cứu Công Nghệ Công nghiệp có trụ sở tại Hsinchu cho biết. "Tuy nhiên, nhiều người cũng đang lo ngại rằng Việt Nam có thể trở nên quá nóng, và sẽ sớm rơi vào cảnh thiếu hụt lao động cũng như gia tăng chi phí sản xuất."
Theo GenK