Mùa hè 2023 đánh dấu rất nhiều cột mốc chuyển nhượng và Declan Rice là một trong những bản hợp đồng mang tính cách mạng.
Arsenal phải trả cho West Ham mức phí 100 triệu bảng (trong 24 tháng). Chưa tính điều khoản đi kèm có giá 5 triệu bảng, đây là mức giá cố định cao nhất đối với một cầu thủ người Anh, ngang với số tiền Man City từng bỏ ra để ký Jack Grealish.
Sự xuất hiện của Declan Rice khiến Arsenal có mùa hè chi tiêu chưa từng có: 196,3 triệu bảng cho 3 tân binh (trong tương lai, CLB có thể phải trả thêm 12,3 triệu bảng liên quan đến các hợp đồng này).
Mặc dù mới tuổi 24, Declan Rice đã có 6 mùa giải là trụ cột West Ham. Anh đạt 204 trận Premier League trước khi gia nhập Arsenal (hiện là 207 trận, ghi 10 bàn thắng).
Tiền vệ từng có 3 trận khoác áo CH Ireland trước khi trở thành tuyển thủ Anh luôn là mục tiêu của các CLB trong những kỳ chuyển nhượng vừa qua.
Hầu như mỗi năm Chelsea - nơi Rice trải qua 7 năm ở học viện - và MU không dưới một lần đặt vấn đề với anh. Liverpool và Man City đôi khi cũng đánh tiếng với cầu thủ sinh ở tây bắc London.
Declan Rice từ chối mọi đề nghị hấp dẫn. Phải đến khi giúp West Ham vô địch Europa Conference League, chiếc cúp đầu tiên của đội trong thế kỷ 21, cũng là danh hiệu quốc tế đầu tiên trong lịch sử, anh mới quyết định ra đi.
West Ham không còn phù hợp với Rice nữa. Để tiếp tục phát triển, anh cần môi trường lớn hơn và có khả năng cạnh tranh các danh hiệu cao quý. Không chỉ với bóng đá Anh mà cả đấu trường châu Âu.
Khi Arsenal tìm đến, Delan không ngần ngại gật đầu. Anh bị thuyết phục bởi dự án mà Mikel Arteta triển khai, biến "Pháo thủ" thành một trong những CLB đá đẹp nhất lục địa già mùa trước (cùng với Napoli, Man City và Bayern Munich trước World Cup 2022).
Chuyển sang Arsenal cũng giúp Rice nhận mức lương 240.000 bảng mỗi tuần, cao gấp 4 lần thu nhập trước đó tại West Ham (60.000 bảng/tuần; đứng 12 trong bảng khung tiền lương đội bóng do David Moyes dẫn dắt).
Giải tỏa áp lực cho Declan Rice
Sau 3 trận đầu tiên trong màu áo mới, Declan Rice chưa thể hiện được như kỳ vọng. Ít nhất là dựa theo khoản tiền mà CLB đầu tư vào anh.
Arsenal của Mikel Arteta vận hành dựa trên sơ đồ 4-3-3. Hệ thống này không giống West Ham, nhưng Rice đã quen thuộc khi đá cho đội tuyển Anh.
Ở West Ham, Moyes bố trí công thức 4-2-3-1, với Tomas Soucek là chiến binh cần cù luôn chiến đấu để chia sẻ gánh nặng khu vực giữa sân cho Rice.
Trong các trận đấu của tuyển Anh, Rice nhận được trợ giúp rất lớn từ Jordan Henderson. Gần đây, ở vòng loại EURO 2024, bên cạnh anh còn có Alexander-Arnold rất năng động.
Rice không nhận được trợ giúp như vậy ở Arsenal, khi được Mikel Arteta xếp đá trung tâm hàng tiền vệ 3 người.
Vai trò của Rice thuộc về Thomas Partey mùa trước. Khi ấy, tuyến giữa còn có Granit Xhaka lúc nào cũng thi đấu nhiệt tình với các pha va chạm nảy lửa.
Hiện tại, hai bên Rice hoàn toàn là những người thiên về tấn công: Martin Odegaard và Kai Havertz.
Odegaard luôn có xu hướng dân cao, khi Arteta cho phép cầu thủ người Na Uy chơi tự do để tận dụng những cú sút từ tuyến hai. Trong khi đó, Havertz không có trận nào đá ở hàng tiền vệ như hiện nay trong 3 mùa khoác áo Chelsea.
Lần gần nhất Havertz đá tiền vệ trung tâm là mùa 2018-19, khi còn khoác áo Leverkusen.
Điều này giải thích cho việc Rice đạt hiệu quả chưa cao. Anh nổi bật nhất đội với 8 trong 9 lần tắc bóng thành công, 17 lần đoạt bóng, nhưng thua 12 trong 14 pha không chiến.
Declan Rice đang phải nhận lối lượng công việc cao, dẫn đến việc Arsenal cầm bóng 67,3% nhưng không áp đặt được thế trận, chật vật thắng Nottingham Forest và Crystal Palace, bị Fulham cầm hòa ngay tại Emirates.
Tiếp MU trên sân nhà (22h30 ngày 3/9), Mikel Arteta phải giúp Rice giải tỏa áp lực từ bản hợp đồng kỷ lục, cũng như khối lượng công việc mà anh gánh vác ở giữa sân.
Về mặt cá nhân, MU luôn là nỗi ám ảnh của Rice. Anh có 11 lần gặp "Quỷ đỏ", chỉ 3 chiến thắng và nhận 9 thất bại.
Vì thế, cựu đội trưởng West Ham càng muốn thể hiện mình tối nay, khi bước vào một trong những trận đấu có ảnh hưởng nhất bóng đá Anh.