XEM VIDEO:
Ở phần hai tọa đàm, Đại sứ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đề cập tới hấp lực của ASEAN trong quá trình kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế.
Giảm thiểu tác động đại dịch
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đánh giá thế nào về khung phục hồi tổng thể ASEAN đã và đang triển khai nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế xã hội mà đại dịch gây ra?
Khung tổng thể có 3 giai đoạn: mở cửa, phục hồi kinh tế, tự cường và 5 ưu tiên. Về 5 ưu tiên, trước hết ASEAN nhấn mạnh đến y tế, tiếp đến là an ninh con người, yếu tố phát triển bền vững, phối hợp và cuối cùng là yếu tố tự cường.
Điểm mấu chốt là ASEAN phải tự lực cánh sinh, tự cường, dựa vào sức mình và phối hợp với nhau để vượt qua đại dịch.
Đại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN hình thành Khung phục hồi tổng thể từ 2020 và trong 2021 tiếp tục triển khai, nhưng thực sự chúng ta sẽ ra khỏi dịch như nào, kiểm soát dịch và phục hồi ra sao thì còn rất nhiều khó khăn. Mỗi nước có mức độ dịch và chiến lược ứng phó rất khác nhau. Vấn đề đặt ra là làm sao để cả khu vực kiểm soát dịch tốt hơn, làm sao để không đứt gãy chuỗi cung ứng, mở cửa và kết nối trong khu vực này như thế nào, trong đó có chuyện đi lại dù đang manh nha, nhưng có lẽ phải đẩy mạnh và phối hợp nhiều hơn.
Đại sứ có đề cập nhiều đến thực tế đứt gãy chuỗi cung ứng. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những sáng kiến kinh tế mà ASEAN đưa ra để đảm bảo cho chuỗi cung ứng được liền mạch, liên thông?
Ở đây đề cập đến liên kết trong ASEAN và liên kết của ASEAN với các đối tác. Những sáng kiến về hợp tác kinh tế khu vực tạo ra không gian kinh tế mới rất lớn mà các nước có thể hợp tác với nhau, trong đó có vai trò chủ động của ASEAN.
Ngoài kiểm soát đại dịch và phục hồi, ASEAN cũng đã cập nhật rất nhiều thứ mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế sạch, biển xanh, biển sạch… Có nhiều sáng kiến về dàn xếp kinh tế thương mại thông thường, tức là giảm thuế quan, tăng thuận lợi hóa thương mại nhưng cũng có những sáng kiến mới gồm chuyển đổi số, thương mại điện tử, kinh tế xanh gắn với môi trường và biến đổi khí hậu…
Một loạt sáng kiến được đề ra trong kinh tế xanh sẽ kèm theo nguồn vốn và tài trợ cho chuỗi cung ứng xanh. Nếu bắt kịp, chúng ta sẽ hòa nhập được vào cuộc chơi của chất lượng cao và bền vững hơn rất nhiều.
Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, để phục hồi kinh tế thì việc công nhận hộ chiếu vắc xin và cơ chế đi lại giữa các nước cần được thiết lập như thế nào trong ASEAN để tránh đứt gãy dòng lưu chuyển lao động, hệ thống logistic, chuỗi cung ứng?
ASEAN đang đứng trước các thách thức nhưng lại có không ít cơ hội, đặc biệt là về chuyển đổi số, cơ hội phát triển xanh.Đại dịch đã tạo ra sức ép cả bên trong lẫn bên ngoài, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy sự chuyển đổi này.
Về hộ chiếu vắc xin, ASEAN từng bàn tới chuyện hộ chiếu vắc xin nhằm tạo thuận lợi cho dịch chuyển, trước hết là các chuyên gia song chưa có kết quả cuối cùng.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn |
Thứ nhất, chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, bệnh dịch không chừa bất cứ khu vực nào. Do đó, kiểm soát dịch bệnh phải là câu chuyện toàn cầu, chứ không riêng của ASEAN. Chừng nào trên thế giới vẫn còn những khu vực chưa an toàn, vẫn có người dân chưa tiêm phòng thì chúng ta chưa thể cảm thấy an toàn tuyệt đối.
Và ASEAN không thể bàn câu chuyện riêng, tức là hộ chiếu vắc xin cho khu vực, mà tách ra khỏi khung cảnh chung của thế giới.
Thứ hai, dịch bệnh trong các nước ASEAN cũng có giai đoạn, mức độ khác nhau, dẫn đến sự kiểm soát và chính sách ứng phó của từng nước ASEAN cũng khác nhau. Điều đó lý giải tại sao ASEAN chưa đi đến sự thống nhất trong vấn đề này.
Chúng ta có thể áp dụng kinh nghiệm thành công của một số nước và nhân lên trong khu vực. Tuy khó đạt được sự nhất trí trong toàn bộ 10 nước thành viên, nhưng có thể một số nước ASEAN, nhất là những thành viên chủ chốt của các chuỗi cung ứng cần đi tiên phong và dẫn dắt tiến trình này.
Thu hẹp khoảng cách phát triển
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, hậu đại dịch, khoảng cách giữa các nước ASEAN về mặt cơ sở hạ tầng, về quá trình chuyển đổi số cũng như về chất lượng nguồn lao động sẽ bị nới rộng ra sao?
Đại dịch làm trầm trọng hơn những vấn đề khó khăn và thách thức đối với mỗi quốc gia. Nhưng ASEAN đã luôn tồn tại tình trạng phát triển không đồng đều về hạ tầng, kinh tế, thu nhập, môi trường, phát triển bền vững…
Chuyển đổi số đang được đẩy rất mạnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của tương lai. Nếu vì đại dịch này mà quốc gia nào không bắt kịp tiến trình chuyển đổi số thì khoảng cách về kinh tế số, công nghệ số sẽ gia tăng.
Thứ hai, khu vực và thế giới đang đứng trước rất nhiều khủng hoảng, trong đó có khủng hoảng biến đổi khí hậu và môi trường, nghĩa là yêu cầu phát triển bền vững trở nên rất quan trọng. Nếu tiếp tục sử dụng sức lao động, dùng công nghệ kém để phát triển trong khi nơi khác đã bắt đầu chuyển sang công nghệ xanh thì sẽ không NẮM bắt ĐƯỢC các nguồn tài chính xanh cho phát triển.
Thứ ba là nguồn nhân lực và những thứ khác khi đứt gãy chuỗi cung ứng, nếu không kịp điều chỉnh sẽ tụt hậu mạnh hơn. ASEAN đã có khung và những sáng kiến để hỗ trợ các nước chậm phát triển hơn. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển số và con người có thể khiến khoảng cách phát triển giữa các nước gia tăng hơn rất nhiều.
Như vậy theo góc nhìn của Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, ASEAN cần làm gì để thu hẹp khoảng cách này?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là ASEAN phải nắm được xu thế chuyển động rất nhanh trên thế giới. Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh thêm về xu thế là chuyển đổi số - đây cũng là cách nhanh nhất để ASEAN bắt kịp được với thế giới và thu hẹp khoảng cách, giúp ASEAN tạo được tăng trưởng tuyến tính, nhân tốc độ phát triển lên gấp nhiều lần. Nước nào chuyển đổi số nhanh, mạnh và đúng hướng, tập trung ưu tiên phát triển bền vững, phát triển xanh… thì có khả năng sẽ bắt nhịp được với cả thế giới và thu hẹp khoảng cách với các nước khác.
Rõ ràng ASEAN có một sức hút, hấp lực nhất định trong quá trình chuyển đổi số, trong triển vọng phục hồi kinh tế, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đại sứ Phạm Quang Vinh có đánh giá thế nào về sức hút của ASEAN hiện nay?
Lâu nay người ta nói ASEAN có hấp lực là thị trường lớn, đông dân, tổng giá trị thương mại lớn… Nhưng bây giờ, giữa bối cảnh đại dịch, thì sức hấp dẫn mới là gì, đó mới quan trọng.
Thứ nhất, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực quan trọng cả về địa-chiến lược và địa-kinh tế và dường như các đối tác chủ chốt đều đang dồn sự chú ý. Đây là cơ hội.
Thứ hai, từng nước ASEAN và cả nền kinh tế ASEAN là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta đang đón đợi những luồng đầu tư mới.
Thứ ba, khu vực tiếp tục đẩy mạnh liên kết, không chỉ nội khối mà còn với các đối tác. Như vậy, hấp lực ở đây là khi các bên thấy khu vực Đông Nam Á này là nơi đầu tư có lợi, an toàn, bền vững. Quan trọng là chúng ta kiểm soát dịch ra sao và có sớm trở lại phục hồi hay không.
Đại sứ Phạm Quang Vinh |
Sau đại dịch, các nước sẽ chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng đến thay đổi mô hình quản trị, phát triển xanh, bền vững và chuyển đổi số. Nếu từng nước Đông Nam Á và cả ASEAN bắt kịp chuyển đổi số, thay đổi mô hình quản trị và phát triển xanh thì sau dịch sẽ có cơ hội phát triển rất mạnh mẽ.
Hấp lực ASEAN
Nếu đưa ra dự báo về tình hình khu vực, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có chia sẻ gì?
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà rất nhiều biến số có thể xảy ra và chúng ta cần phải thích ứng, linh hoạt. Khu vực đã, đang và sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ do Covid-19. Cũng vì đại dịch, ASEAN mới nhìn lại thực tế của mình là tiềm năng lớn, nhưng thực tế còn rất nhiều điểm khá mỏng manh, dễ tổn thương. Nghĩa là ASEAN có những vấn đề nội tại.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, ASEAN đã xử lý khá tốt một số vấn đề trong đại dịch. Câu chuyện thấy rõ nhất là sự thích ứng, hồi sinh và tự cường của ASEAN. Xin đơn cử là việc tiêm vắc xin. Tuy xuất phát có phần hơi chậm, nhưng ASEAN đang gia tăng tốc độ tiêm chủng, và hiện đạt tốc độ nhanh nhất thế giới và điều này khiến chúng ta có phần tự tin hơn. Nhiều nước đã dần mở cửa ra bên ngoài để tiếp tục quá trình phục hồi kinh tế, sống chung với đại dịch.
ASEAN vẫn tiếp tục xử lý tốt các vấn đề nội bộ của mình, như câu chuyện Biển Đông hay Myanmar, rồi thúc đẩy, mở rộng quan hệ với các nước lớn, đối tác bên ngoài trong bối cảnh nhiều khu vực và tổ chức quốc tế khác phải hạn chế hoạt động.
Điều đó cho thấy ASEAN sẽ phục hồi nhanh, và mạnh khi đại dịch được kiểm soát. ASEAN sẽ gửi tới thế giới một thông điệp, chúng tôi vẫn tiếp tục là một địa bàn hấp dẫn.
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chắc chắn những thứ đang chuyển dịch sẽ tác động đến khu vực, trong đó có đại dịch và phục hồi kinh tế. Vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, bất ổn trong khu vực. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại 2021 có thể thấy tín hiệu khả quan hơn cho năm 2022 trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ nhất, về kiểm soát dịch. Thứ hai là chuyển dịch địa chiến lược, dù cạnh tranh chiến lược sẽ phức tạp, thậm chí còn đẩy cao nhưng các bên cũng đang tìm cách quản trị cho ổn định. Ứng xử của ASEAN thì rõ ràng, khi thể hiện muốn quan hệ tốt với tất cả các đối tác lớn dựa trên nền tảng chung của ASEAN là lợi ích khu vực và luật pháp quốc tế. Các nước cần đến ASEAN và tiếp tục can dự với ASEAN.
Thứ ba, trước những thách thức bên ngoài và nội tại, rõ ràng những gì ASEAN đã và đang làm sẽ phải đẩy mạnh thêm nữa. Tôi thấy rằng, các diễn biến còn phức tạp và có những điểm khó lường. Chúng ta phải rất cảnh giác, nhất là về câu chuyện đại dịch và mở cửa rồi phục hồi như thế nào. Nhưng đồng thời những tiến triển của 2021, nhất là thời điểm cuối năm chỉ dấu cho những tín hiệu sáng sủa hơn về phục hồi và kiểm soát dịch.
Hơn lúc nào hết, ASEAN phải đa dạng hóa quan hệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung; ASEAN cần có tiếng nói đoàn kết, làm sâu sắc hơn quan hệ nhiều chiều, với nhiều đối tác khác nhau.
Tuần Việt Nam
Kỳ 1: Cơ hội để ASEAN phục hồi sau đại dịch
Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá ASEAN 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông, báo VietNamNet tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “ASEAN phục hồi sau đại dịch”.