Hôm 21/2, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho biết sẽ không quảng bá chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên Facebook. Một ngày sau, Bộ trưởng Tài chính Simon Birmingham thông báo lệnh cấm sẽ mở rộng trên toàn bộ cơ quan chính phủ.
Phát biểu trên Radio National, ông nói sẽ rút quảng cáo do Facebook thực hiện hành vi tồi tệ, tìm cách thể hiện quyền lực hay gây ảnh hưởng đến hệ thống dân chủ của đất nước. “Chúng ta sẽ không khoan nhượng. Chúng ta sẽ đứng trên lập trường của quy định và xem xét tất cả các quảng cáo”.
Theo ABC.net.au, chính phủ Australia chi 42 triệu USD quảng cáo trực tuyến giai đoạn 2019 – 2020. Ủy ban Tiêu dùng và cạnh tranh (ACCC) cho hay khoảng 1/4 chi phí quảng cáo trên mạng trong nước đổ về Facebook. Như vậy, hành động của chính phủ có thể khiến Facebook thiệt hại hàng triệu USD.
Vẫn theo ông Hunt, tất cả ngân sách dự chi cho quảng cáo Facebook sẽ được phân bổ cho nguồn khác. Australia vẫn đăng thông tin trên Facebook song không trả tiền để thúc đẩy nội dung. Theo Bộ trưởng Y tế, chính phủ sử dụng nhiều kênh khác như phát thanh, truyền hình, báo chí để tuyên truyền về vaccine Covid-19.
Căng thẳng giữa Facebook và Australia lên tới đỉnh điểm sau khi công ty Mỹ quyết định cấm người dùng nước này tiếp cận tin tức để phản đối dự luật truyền thông mới. Một số trang của các tổ chức chính phủ, cơ quan công quyền, doanh nghiệp nhỏ… vô tình bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã có cuộc trao đổi với CEO Facebook Mark Zuckerberg sau lệnh cấm. “Chúng tôi hối thúc Facebook nhìn nhận họ nên cư xử như bất kỳ một bên tái xuất bản nội dung nào khác”, ông Birmingham nói.
Ngoài ra, ông khẳng định chính phủ cam kết giữ nguyên dự luật bất chấp hành động của Facebook. Tuần trước, Google đã ký thỏa thuận trị giá hơn 60 triệu USD với các nhà xuất bản.
Dự luật được trình lên Thượng viện Australia vào hôm nay (22/2). Facebook phản đối mạnh mẽ dự luật. Theo ông Birmingham, dự luật nhằm bảo đảm tin tức do người Úc sản xuất được trả tiền một cách hợp pháp và công bằng. Dự luật cho phép chính phủ bổ nhiệm trọng tài bắt buộc để định giá bản quyền nếu các cuộc đàm phán riêng giữa nền tảng và nhà xuất bản thất bại.
“Không có lý do gì mà Facebook không thể làm và đạt được (thỏa thuận) như Google”, Bộ trưởng Tài chính Australia nói.
Cùng ngày, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Google, Twitter, Microsoft, TikTok đã công bố bộ quy tắc ngành nhằm xử lý tình trạng phát tán tin giả. Quy định do các hãng này cùng tập đoàn truyền thông DIGI phát triển. Nó yêu cầu các bên tham gia “phát triển và áp dụng biện pháp giảm lan truyền và tiếp xúc của người dùng” với thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Cơ quan Truyền thông Australia sẽ báo cáo về mức độ hiệu quả của bộ quy tắc vào cuối tháng 6.
Du Lam (Theo ABC.net.au)
Facebook là nguồn phát tán tin giả tồi tệ nhất
Trong số các nền tảng mạng xã hội lớn của thế giới, Facebook chính là nền tảng phát tán tin giả tồi tệ nhất.