-Sau những sóng gió, người phụ nữ ấn tượng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày đêm dồn tâm, trí lực thực hiện di nguyện của người cha già quá cố.

LTS: Sau khi được khôi phục sinh hoạt Đảng, bà Trần Ngọc Sương đã trở về Nông trường Sông Hậu theo  lời mời của các thành viên trong HĐQT Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood), cùng 'chung lưng đấu cật'  để vực dậy doanh nghiệp ở Nông trường Sông Hậu tiếng tăm đang trên đà tuột dốc..

Căn phòng nhỏ nhắn, chật hẹp là nơi bà Ba Sương dùng giường ngủ làm bàn làm việc, tính toán cho công việc ngày mới. Trong câu chuyện với Tuần Việt Nam, bà Sương hào hứng chia sẻ những dự định mới.

"Tôi đã không có gì trong tay"

 - Sau khi đình chỉ vụ án, tháng 2/2012 bà được khôi phục trở lại sinh hoạt Đảng và đồng thời bà cũng đã  khăn gói lên Sài Gòn. Khi đó,  bà có ý nghĩ sẽ có ngày trở lại Nông trường Sông Hậu?

Tôi vốn đã coi Nông trường Sông Hậu và tập thể bà con Nông trường viên, cán bộ nhân viên như là máu thịt trong gia đình. Tuy  không còn trực tiếp chỉ đạo nhưng thâm tâm tôi vẫn luôn đau đáu về những ước mơ của ba mà tôi chưa kịp thực hiện.  Đó là ước mơ xây dựng một Khu Nông nghiệp sản xuất công nghệ cao.


{keywords}
Bà Trần Ngọc Sương, Ảnh: Quốc Huy

Vì những trăn trở đó, tôi vẫn giữ mối liên hệ với bà con, vẫn thường xuyên đi về sinh hoạt ở Đảng bộ Nông trường Sông Hậu và vẫn luôn ước muốn là hễ có dịp thì sẽ đóng góp sức lực, kinh nghiệm, trí tuệ cho nông trường.  

- Vậy thời điểm đó, bà ấp ủ những kế hoạch gì, nếu một ngày nào đó trở về nông trường?

Khi bước chân ra khỏi Nông trường Sông Hậu thì tôi không có gì ở trong tay nữa ngoài mớ tài liệu, va ly đựng quần áo. May mắn được bạn bè thuê nhà dùm hoặc có thời gian ở nhờ nhà em dâu.

Sau đó, do điều kiện sức khỏe không tốt, bệnh nặng thường xuyên tái phát, tôi buộc phải lên Sài Gòn thuê nhà để ở gần bệnh viện, tiện đi lại trong thời gian trị bệnh; vừa đi tới đi lui đến cơ quan pháp luật, vừa phải tự kiếm tiền mưu sinh.

Cũng trong thời gian này tôi đã cùng vài cộng sự nghiên cứu, chế biến được một số mặt hàng nông sản và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận độc quyền với thương hiệu mang tên "Cô Ba Sương". Bao gồm các sản phẩm: chanh dây, dưa muối, bắp hạt, bắp non đóng hộp, chôm chôm, xoài...

Cây ngay không sợ chết đứng

-Trong suốt thời gian từ 2008 đến 2012, cơ quan hành pháp quy kết cho bà là "lập quỹ trái phép" ở Nông trường Sông Hậu với mức án 8 năm tù. Bà tiếp tục kháng cáo và sau cùng thì Viện kiểm sát Cần Thơ ra quyết định đình chỉ vụ án.  Nhớ lại quãng thời gian này bà có suy nghĩ gì?

Cây ngay thì không sợ chết đứng.

Sự trong sạch, tính liêm khiết của cha con tôi tất cả chỉ vì đất nước và nhân dân không có gì tư lợi riêng.

Cụ thể là cha tôi (ông Trần Ngọc Hoằng - PV) và tôi đã được các lãnh đạo địa phương cũng như Trung ương quý trọng.

Cơ quan tố tụng đã đình chỉ vụ án và khôi phục sinh hoạt Đảng trở lại cho tôi. Đó là niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến. Tôi có niềm tin trở lại để đối diện với những thử thách mới phía trước.

Nhưng phải nói rằng, tôi rất cảm ơn cơ quan thông tấn báo chí, ban ngành đoàn thể và các bậc lão thành luôn kề vai sát cánh ủng hộ.

- Thưa bà, đến thời điểm hiện nay khi bà trở về, còn bao nhiêu doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Nông trường vẫn hoạt động?

Lúc rời Nông trường thì 6 công ty cổ phần đã chọn được Ban giám đốc mới . Có 5 người trong ban giám đốc còn trẻ. Nhưng rất tiếc những người giỏi này lại không được trọng dụng và đã nghỉ hết.

Còn tới bây giờ có một doanh nghiệp bị phá sản, 3 doanh nghiệp giải thể, 1 doanh nghiệp cổ phần 'giãy chết. Một doanh nghiệp khác đang được tôi củng cố để tái cấu trúc.

-Năm 2008, trước khi rời khỏi Nông trường Sông Hậu bà đã để lại một mô hình sản xuất và kinh doanh theo phương thức nào?

Thời điểm trước 2008, chính UBND TP.Cần Thơ đã đề nghị Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến công tác tại đây, xin đề nghị Nông trường Sông Hậu xây dựng "Khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao". Đây cũng là một trong 3 mô hình, mà hai mô hình còn lại là ở Láng Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu sản xuất công nghệ cao ở TP.HCM.

Chúng tôi đã cùng các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp xây dựng mô hình. Bởi, ở Nông trường Sông Hậu, việc xây dựng mô hình cũng sẽ không tốn nhiều thời gian vì có cơ sở sản xuất gọi là  "Cánh đồng mẫu lớn".

Hiện nhiều nơi trên cả nước đang xây dựng mô hình này.

Cánh đồng mẫu lớn ngoài kết hợp trồng lùa còn nuôi trồng thủy sản, rừng trồng phân tán và các  nông sản. Nghĩa là mô hình đa canh đa cư, đa dạng hóa các loại hình sản xuất.

Nông trường Sông Hậu từng được lãnh đạo TP.Cần Thơ đề nghị Chính phủ xây dựng mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao.

{keywords}

Thương hiệu “Cô Ba Sương” đang trở lại Nông trường Sông Hậu. Ảnh Quốc Huy

Thời điểm đó Nông trường có một đội ngũ cán bộ dạn dày kinh nghiệm, được đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân và kỹ sư lên đến hàng trăm người trong tổ chức sản xuất, quản lý sản xuất.

Cơ sở hạ tầng, nhà máy chế biến mà chúng tôi đã cổ phần hóa được 6 Công ty gồm có: Nuôi trồng thủy sản; chế biến thủy sản; chế lương thực; chế biến nông sản và đặc biệt là Nhà máy chế biến gỗ.

Từ gỗ trồng được trong Nông trường với 4,5 triệu cây. Đây là một nguồn nguyên liệu ổn định để phục vụ khâu chế biến gỗ ngay tại chỗ.

Tôi thường nói đùa là: Chúng tôi có một Lâm trường 4 ngàn héc-ta nằm ngay trong Nông trường rộng 7 héc-ta. Tuy nhiên không mất bất kỳ một diện tích đất canh tác nào cả. Tại vì tận dụng trồng cây ngay trên bờ đê bao của Nông trường để trồng lên 4,5 triệu cây bạch đàn.

Đây gọi là trồng rừng phân tán. Tôi luôn tâm niệm rằng, mô hình này nếu chúng ta áp dụng cho cả ĐBSCL thì sẽ rất tốt. Bởi vùng sông nước Cửu Long có nhiều đê bao, kênh rạch, ven tuyến đường sông và lộ lớn đem trồng. Tôi nghĩ vùng này sẽ có một diện tích rừng trồng phân tán rất lớn mà không mất diện tích canh tác.

Bộ Nông nghiệp đã từng 2 lần tổ chức Hội thảo tại Nông trường Sông Hậu để nhân rộng mô hình sản xuất này.

Chính mô hình này đã được Chính phủ công nhận là mô hình phá bỏ cơ chế độc quyền xuất gạo nhập phân. Tức là tự sản xuất, chế biến và tự xuất khẩu. Do đó, mô hình này là Chính phủ mở rộng cho tất cả các thành phần được xuất khẩu gạo từ năm 1997 - 1998

Những dấu mốc sóng gió của nữ Anh hùng Lao động

- Bà Trần Ngọc Sương (SN 1949), làm việc tại Nông trường Sông Hậu từ năm 1981. Năm 1990, đón nhận Huân chương lao động hạng ba. Đến năm 1995, được đón nhập tiếp Huân chương lao động hạng nhì và năm 1999, tiếp tục được đón nhận Huân chương lao động hạng nhất.

- Năm 2000, bà được bầu làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu và cũng năm này được trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

- Đến năm 2002, được vinh dự nhận danh hiệu "Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương kèm theo 10.000 USD. Số tiền này đã được bà trao lại cho Ủy ban ảo vệ bà mẹ và trẻ em TP. Cần Thơ...

- Tháng 4/2008, Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can bà Trần Ngọc Sương về hành vi "lập quỹ trái phép".

- Tháng 8/2009, phiên tòa sơ thẩm TAND huyện Cờ Đỏ tuyên phạt bà Sương 8 năm tù về tội danh nêu trên. Và đến 11/2009, phiên tòa phúc thẩm TAND TP.Cần Thơ tiếp tục tuyên y án sơ thẩm.

- Tháng 5/2010, bà Sương tiếp tục kháng cáo và TAND tối cao ra quyết định hủy bản án đã tuyên với bà Trần Ngọc Sương buộc Công an điều tra lại.

- Đầu năm 2011, Công an TP.Cần Thơ hoàn tất kết luận điều tra vụ án. Ngày 19/1/2012, Viện KSND TP. Cần Thơ công bố quyết định đình chỉ vụ án "lập quỹ trái phép" tại Nông trường Sông Hậu.

- Một tháng sau, bà Trần Ngọc Sương được khôi phục sinh hoạt Đảng.

- Tháng 8/2013, các thành viên trong HĐQT Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) đã mời bà Trần Ngọc Sương từ Sài Gòn trở về Nông trường Sông Hậu để nắm giữ chủ chốt trong HĐQT và điều hành doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn nhất.

  • Quốc Huy (thực hiện)

(Còn nữa)

Bài tiếp: Thương hiệu "cô Ba Sương"

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam