Lời tòa soạn

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD đi nước ngoài khám chữa bệnh trong đó những loại bệnh phổ biến nhất là ung thư. Người bệnh hy vọng có thể được hưởng thụ môi trường y tế với trang thiết bị hiện đại, thuốc, dịch vụ tốt. Tuy nhiên, thực tế, một số người cạn kiệt kinh tế vì ra nước ngoài điều trị, bệnh không khỏi, phải quay về Việt Nam.

VietNamNet đăng tuyến bài Cạm bẫy chữa ung thư ở Nhật Bản để góp phần cung cấp thông tin, giúp người bệnh và thân nhân tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định có nên đi nước ngoài chữa bệnh.

Kỳ 1: Chi hai tỷ đồng mua niềm tin chữa ung thư không đau ở Nhật Bản

Kỳ 2: Cạm bẫy mang danh điều trị ung thư bằng phương pháp chỉ có ở Nhật

3 điều cần biết khi sang Nhật Bản chữa ung thư

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), đánh giá nhu cầu sang Nhật Bản hay các quốc gia phát triển để khám chữa bệnh là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, người bệnh và gia đình cần hết sức thận trọng. Theo vị chuyên gia này, có 3 câu hỏi người bệnh và gia đình cần tìm câu trả lời trước khi quyết định sang Nhật điều trị ung thư.

Thứ nhất, phương pháp mình điều trị có được bảo hiểm tại Nhật Bản đồng chi trả không? Ở Nhật Bản, phương pháp điều trị chính thống sẽ được BHYT đồng chi trả (dùng quỹ công trả giúp từ 70% đến 90% chi phí). Đây là những phương pháp điều trị có hiệu quả và độ chắc chắn cao nhất. 

Thứ hai, chi phí dự trù quá trình điều trị tại Nhật Bản là bao nhiêu? Đối với người nước ngoài không có bảo hiểm y tế tại Nhật Bản, bệnh nhân sẽ phải trả 100% chi phí điều trị. Tại các bệnh viện/trung tâm ung thư lớn, chi phí còn được tính gấp 2-3 con số này và có thể lên tới vài tỉ đồng. Ngoài ra, người bệnh phải chịu chi phí di chuyển, ăn ở, phiên dịch.

Thứ ba, hiệu quả có thể kỳ vọng và tác dụng phụ khi điều trị? Với người bệnh ung thư, nếu ở các giai đoạn I, II, III cơ hội điều trị tại các bệnh viện ở Nhật Bản sẽ cao hơn. Đối với người bệnh ung thư giai đoạn IV, các bác sĩ cũng cân nhắc điều trị. Bởi bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn ưu tiên được chăm sóc giảm nhẹ, điều trị tâm lý. Ở giai đoạn này, người bệnh điều trị trong nước được người thân chăm sóc, ăn uống hợp khẩu vị, không bất đồng ngôn ngữ sẽ tốt hơn. Ngoài ra, việc đi lại nhiều, dài cũng ảnh hưởng tới quá trình điều trị, sa sút thể lực của người bệnh.

Do đó, người dân cần thận trọng khi nghe các công ty môi giới khẳng định bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vẫn được điều trị tốt tại Nhật Bản.

kham chua benh.png
Người Việt điều trị tại một phòng khám ở Nhật Bản. 

Nhiều bệnh nhân "đi rồi lại về, ngỡ ngàng vì trong nước cũng có thuốc"

Trao đổi với VietNamNet, Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết người bệnh ung thư có nhu cầu ra nước người điều trị rất nhiều. Khi tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ Phương đều đưa ra được - mất để người bệnh lựa chọn. Thực tế, nhiều người bệnh có điều kiện muốn sang nước ngoài điều trị vì cơ sở vật chất tốt và các thuốc thế hệ mới nhất mà Việt Nam chưa cấp phép.

Tuy nhiên, các bác sĩ của trung tâm này cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư từng điều trị tại nước ngoài trong đó có Nhật Bản. Khi về nước, họ ngỡ ngàng vì trong nước đều có thuốc, phương pháp họ từng được bác sĩ ở nước ngoài điều trị cho mình. Nữ bác sĩ này khẳng định với sự phát triển toàn cầu hoá, tại Việt Nam, người bệnh có thể được điều trị bệnh ung thư tốt nhất, tăng cơ hội khỏi bệnh.

Ngoài ra, hiện nay, đội ngũ y bác sĩ cũng có nhiều cơ hội tham dự các khoá đào tạo trong và ngoài nước, các hội nghị, hội thảo khoa học để cập nhật liên tục kiến thức điều trị ung thư. Về cơ sở vật chất, nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán như chụp PET/CT, xét nghiệm giải trình tự gen… đều đã được áp dụng. Vì vậy, bác sĩ Phương khẳng định: "Việc điều trị ung thư trong nước đã có nhiều tiến bộ, theo kịp với các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực".

Bác sĩ này cũng cho rằng với bệnh nhân ung thư, yếu tố tâm lý trong quá trình điều trị là rất quan trọng, cần có sự đồng hành của gia đình, và nhân viên y tế. Tuy nhiên, khi điều trị tại nước ngoài, sự bất đồng ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt, ăn uống khác biệt, ít có được sự chăm sóc của gia đình sẽ là những khó khăn đối với người bệnh.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc chuyên môn, Bệnh viện K (Hà Nội), cũng thông tin bệnh nhân có điều kiện khi biết mình mắc ung thư đều đặt câu hỏi: "Nên đi nước ngoài chữa ung thư hay không?". Nhiều người bệnh sau khi được phân tích, tư vấn cặn kẽ đã lựa chọn ở lại để điều trị. 

"Chọn bệnh viện, nơi mình khám chữa, phương pháp điều trị nào là quyền của bệnh nhân. Tuy vậy, người bệnh cần cân nhắc cẩn thận, thấu đáo cả về tình hình kinh tế lẫn khía cạnh chuyên môn. Nhiều bệnh nhân được hứa hẹn sang Nhật Bản chữa bằng các phương pháp mới nhưng thực tế lại tốn kém mà hiệu quả không tới đâu, cuối cùng vẫn quay về Việt Nam điều trị tiếp. Có người may mắn còn cơ hội điều trị kéo dài sự sống nhưng có người bệnh đã tiến triển trong thời gian đó. Suy nghĩ hối hận vì tốn tiền mà không chữa được làm họ càng tiêu cực và những năm tháng cuối đời còn không được thoải mái tâm lý", bác sĩ Bình thông tin.