Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, người Khơ Mú hiện có số dân trên 8.000 người chiếm khoảng 2% dân số toàn tỉnh, trong đó cư trú chủ yếu ở ba huyện Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè.

Người Khơ Mú là cư dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy nên được gọi là "Xá ăn lửa". Hiện nay hầu hết người Khơ Mú đã định canh định cư. Cây trồng ngoài lúa ngô ra còn có bầu bí, đỗ và các loại cây có củ. Nghề phụ gia đình chủ yếu là đan lát đồ gia dụng. Một số nơi biết thêm nghề rèn, mộc, dệt vải. Kể từ khi thực hiện việc chuyển đổi cây trồng và mở rộng diện tích canh tác, không ít hộ gia đình đã thoát được cảnh nghèo đói, đời sống kinh tế ổn định.

Dân tộc Khơ Mú có: Tỷ lệ hộ nghèo là 51,6%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 13,4%. Tỷ lệ thất nghiệp: 1,04%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 3,1%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 8,3%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 1,1%; Tỷ lệ hộ làm nghề thủ công truyền thống: 0,05%.

Cuộc sống hiện đại đã có những tác động lớn đến đời sống của người Khơ Mú, nhưng họ vẫn giữ được một số phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội dân gian.

Chào mừng Tết Độc lập 2/9 và Ngày hội Văn hoá, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên lần thứ XII, Tuần Văn hoá – Du lịch năm 2023, tại không gian Văn hoá dân tộc Khơ mú huyện Than Uyên (Lai Châu) diễn ra Lễ hội “Mừng cơm mới”- lễ hội thể hiện rõ nhất văn hóa nương rẫy đặc sắc của người Khơ Mú.

Hàng năm, vào tháng 8 - 9 dương lịch, khi mùa màng đã thu hái xong, đồng bào Khơ Mú lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới. Mở màn cho phần Lễ là nghi lễ “Thỉnh mời tổ tiên” với lời khấn kể về quá trình khai khẩn và gieo trồng nương rẫy. Mỗi gia đình người Khơ Mú sẽ tổ chức lễ cơm mới trong một ngày, dâng cúng lên tổ tiên những hạt nếp cốm mới. Gia đình này, nối tiếp gia đình khác tạo nên một mùa lễ hội – Lễ hội cơm mới mà người Khơ Mú ở bản Thẩm Phé, còn gọi là Giát hả mả mía.

Để chuẩn bị cho Lễ hội cơm mới, ngoài cốm mới, người Khơ Mú còn phải chuẩn bị nhiều lễ vật dâng cúng như: Rượu cần, rượu cất, 1 đôi gà trống hoa, xôi trắng, xôi đỏ, các loại rau cùng các sản vật  như cá, cua, chuột, sóc…

Mở màn cho Lễ hội cơm mới, là nghi lễ “cúng Thổ địa”, tiếng Khơ Mú gọi là “Tam mà ngặt tia”. Người Khơ Mú quan niệm, thổ địa cai quản đất đai, làng bản. Mỗi khi con người làm việc ồn ào, đông người phải cúng báo thổ địa để không bị trừng phạt và được phù hộ.

Lễ vật dâng cúng thổ địa có lợn béo, rượu ngon, trầu thơm, vỏ đỏ. Chủ lễ kính cẩn thỉnh thổ địa cùng các tinh linh trong vùng về hưởng lễ: Cúng lợn béo một con/Nước canh ngọt một bát/Trầu không mọc trên giàn/Vỏ thơm nơi rừng thẳm/ Đĩa muối đậm dâng lên/ Thỉnh thần linh về hưởng/ Hưởng rồi xin phù hộ/ Phù hộ chủ lễ tôi/ Phù hộ cả dân bản/ Cúng cơm mới an lành...

Tiếp theo là nghi lễ “Thỉnh mời tổ tiên”. Mở đầu nghi lễ, ông chủ lễ khấn kể về nguồn gốc của lễ hội: Bố đẳm, mẹ đẳm ơi!/ Từ năm xưa năm trước/ Bố mẹ sinh con ra/ Bố mẹ nuôi khôn lớn/ Ở trong bản, trong làng/ Cùng họ hàng, anh em... Tiếp theo, ông chủ lễ khấn kể về quá trình khai khẩn và gieo trồng nương rẫy.

Trong bài cúng, ông chủ lễ cũng ôn lại công ơn của tổ tiên đã phù hộ, giúp con cháu trông nom nương rẫy, cây trồng: Bố mẹ đẳm đi trông/ Bố mẹ đẳm đi giữ/ Không cho chuột bới ra/ Không cho sóc gắp mất… Năm nay, được mùa, ông chủ lễ hân hoan báo cáo với tổ tiên: Gặt bằng khửu được gánh/ Gặt bằng sải được gùi/ Đầy gùi to đủ mang/ Đầy bung to đủ gánh/ Đổ bồ dưới cũng thừa/ Đổ bồ trên đầy ắp…

Sau khi khấn mời tổ tiên, tới nghi thức cầu may. Bà chủ nhà bưng chõ xôi đỏ có giấu mấy đồng tiền ra giữa nhà, sau đó đổ xôi ra mẹt, vừa đổ vừa nói “Ăn nên làm ra nhớ”. Mọi người cùng vào bới tìm đồng tiền với hi vọng năm tới sẽ khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. 

Tiếp theo là nghi thức mời cơm. Ông chủ lễ một tay vít 2 cần rượu mồi cho rượu chảy ra rồi khấn mời tổ tiên hưởng lễ. Sau nghi lễ mời cơm đến nghi lễ cầu may, nghi thức phát lộc và nghi thức hát mừng cơm mới. Một hát giỏi nhất bản sẽ đại diện cả bản hát mừng gia đình năm qua được mùa: Ơi người bản mình ơi!/ Nay về đây vui vầy/ Nâng chén rượu thật đầy/ Mừng được mùa, no đủ…

Hồ Nhụy và nhóm PV, BTV