- Bà con Tây Nguyên rất quan tâm đến Trường Sa, Hoàng Sa và cũng thiếu thông tin về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT Lê Văn Nghiêm đánh giá sáng 6/1 tại Đắk Lắk.
XEM CLIP:
Sau 4 cuộc triển lãm tại Hà Tĩnh, Hà Nội, TP.HCM và Thái Nguyên, Bộ TT&TT tiếp tục triển lãm trưng bày tư liệu “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” tại bảo tàng Đắk Lắk, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk từ 6-12/1.
Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định: “Triển lãm được tổ chức với mục đích góp phần khẳng định lập trường của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc".
Triển lãm lần này được tổ chức như một cách tri ân đồng bào trong và ngoài nước đã dày công sưu tầm, lưu giữ và truyền tải tới thế hệ hôm nay và mai sau những tư liệu quý giá về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những bằng chứng quan trọng này sẽ nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải luôn biết ơn các thế hệ đồng bào, chiến sĩ đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ảnh: Thu Lý |
“Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt”
Cô gái người Êđê Hbly Ayun chia sẻ: “Tôi mới chỉ thấy qua sách báo, nhưng khi triển lãm ở đây, tận mắt nhìn hình ảnh cha ông ta đã hi sinh bảo vệ chủ quyền đất nước, thấy biển cả quê hương mình, tôi rất tự hào và xúc động. Người dân Tây Nguyên thấy Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt”.
Với những cán bộ biên phòng tỉnh Đắk Lắk, những hình ảnh tư liệu ở đây có giá trị hơn nhiều lời nói, trang viết về Trường Sa. Đại tá Lê Xuân Đàng, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh cho rằng, triển lãm này sẽ có ý nghĩa giáo dục rất lớn với các chiến sỹ trẻ đang học tập và rèn luyện để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Triển lãm lần này được mang đến nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 150 bản đồ được trưng bày tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.
Ttriển lãm gồm nhóm tư liệu chính như: phiên bản các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX; Một số hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ những năm 1930 đến trận "Hải chiến Hoàng Sa" ngày 19/1/1974.
Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay; Sưu tập gồm 4 tập bản đồ (Atlas) và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc sản xuất và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử thể hiện Trung Quốc không hề liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Xisha và Nansha và đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Thu Lý - Xuân Quý - Huy Phúc